Nỗ lực phục vụ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh

Thời gian qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, với những nỗ lực triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), ngành BHXH Việt Nam đã ghi điểm với người dân, người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Đồng thời, ngành cũng đứng trước thách thức lớn trong hoàn thành nhiệm vụ năm 2021, khi số đối tượng tham gia đang sụt giảm nghiêm trọng.

BHXH Việt Nam họp bàn các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2021. Ảnh: PHẠM CHÍNH

Bảo đảm quyền lợi người lao động, doanh nghiệp trong dịch bệnh

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, mặc dù dịch Covid-19 kéo dài từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, nhưng trong bối cảnh khó khăn, quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT càng được quan tâm đặc biệt. Thống kê cho thấy, tổng số chi BHXH trong chín tháng đầu năm là 171.524 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ năm 2020, trong đó riêng số chi BHXH một lần là 766.201 lượt người, tăng 7,22% so cùng kỳ 2020. Quỹ BHYT cũng đã chi 65.241 tỷ đồng cho hơn 97,88 triệu lượt khám, chữa bệnh (KCB), tăng 3,1 triệu lượt KCB, tăng 6.703 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho người dân, đơn vị sử dụng lao động khi thực hiện thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam đã ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến với 63 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam; kịp thời cung cấp bổ sung thêm hai dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công của ngành; kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia để tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ. 

BHXH Việt Nam cũng mở rộng cung cấp dịch vụ, tiện ích trên ứng dụng “VssID - BHXH số”. Tính đến 30/9/2021, cả nước đã có hơn 19,6 triệu tài khoản sử dụng ứng dụng VssID được phê duyệt; kết xuất nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc xác định đối tượng, mức hưởng hỗ trợ nhằm kịp thời triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, báo cáo của BHXH các địa phương cũng cho thấy, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đang đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện nhiệm vụ năm 2021.Trong tháng 9/2021, số người tham gia tiếp tục giảm so với tháng 8/2021 và giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2020. Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ Dương Văn Hào cho biết: Số người tham gia BHXH giảm 1,54 triệu người; BHYT giảm 3,29 triệu người. Từ nay đến cuối năm 2021, việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra là rất khó khăn.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu 

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và giao ban toàn ngành tháng 10/2021, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, những điểm sáng của toàn ngành trong việc triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ đã được các cấp, các ngành và người lao động đánh giá cao, ghi nhận. Đây cũng là cơ hội để chuyển đổi số mạnh mẽ và cho thấy “thành tựu” của BHXH Việt Nam khi cả hệ thống vẫn duy trì hoạt động thuận lợi, thậm chí nhiều lĩnh vực hiệu quả hơn, như: Quyết toán tập trung, tích hợp phần mềm, đối soát cơ sở dữ liệu... Cùng với đó, trong bối cảnh dịch bệnh, công tác tuyên truyền tới người dân được thực hiện với nhiều hình thức “phi truyền thống”, đa dạng, linh hoạt, hiệu quả, nhất là trên môi trường mạng xã hội.

Phát huy những kết quả đó, trong ba tháng cuối năm, toàn ngành cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tiễn để xây dựng giải pháp, kịch bản điều hành, ứng phó với dịch bệnh; kiên định, thống nhất quan điểm chưa điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ; tập trung cao độ, nỗ lực cao nhất, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2021. Quyết liệt, khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Trong ba tháng cuối năm, toàn ngành tập trung thực hiện công tác thu, giảm nợ đọng, phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT trở lại “trạng thái bình thường”, nắm bắt được đà phục hồi của sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động để có các giải pháp hỗ trợ, truyền thông, vận động người lao động tham gia một cách phù hợp.

Nhấn mạnh áp lực trong thời gian tới sẽ rất nặng nề, khi nhiều địa phương vẫn đang thực hiện giãn cách, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ rõ, quan điểm chỉ đạo từ nay đến cuối năm là toàn ngành phải bám sát mục tiêu, kế hoạch được giao, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để triển khai linh hoạt, phù hợp.

Cần tập trung thực hiện công tác thu, giảm nợ đọng, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trở lại trạng thái bình thường. “Nắm bắt được đà phục hồi của sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động để có các giải pháp hỗ trợ, truyền thông, vận động người lao động tham gia một cách phù hợp. Tận dụng thời điểm này thể hiện rõ vai trò cơ quan phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia, để người lao động không rời khỏi hệ thống”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến 17 giờ 30 phút ngày 7/10, thực hiện Nghị quyết số 116 của Chính phủ, BHXH các tỉnh, thành phố đã thực hiện chi trả hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp cho 17.855 người lao động, với tổng số tiền 47 tỷ đồng. Đồng thời, đã cơ bản hoàn thành việc gửi thông báo giảm đóng BH thất nghiệp đến các doanh nghiệp.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới