Ngăn chặn, xử lý tình trạng xuất nhập cảnh trái phép

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, qua lại biên giới cư trú, lao động, làm thuê bất hợp pháp, kết hôn có yếu tố nước ngoài vẫn diễn ra, tiềm ẩn rủi ro đối với người lao động, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và quản lý biên giới.

Giọng nữ

                                    Khởi tố, xử lý nhiều vụ việc

Ngày 17/4/2025 tại địa bàn xã Lóng Sập, thị xã Mộc Châu, tổ công tác của Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc (thuộc Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng) và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Biên phòng tỉnh Sơn La phát hiện, bắt quả tang Tráng A Và tổ chức cho 2 người ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đi qua đường mòn biên giới sang nước CHDCND Lào để nhận tiền công 1,5 triệu đồng.

Ngày 25/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Tráng A Và, sinh năm 1984, trú tại bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, thị xã Mộc Châu về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép” theo quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La thi hành quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với đối tượng Tráng A Và.  Ảnh Công an cung cấp. 

Các đối tượng phạm tội đã lợi dụng sự nhẹ dạ, mất cảnh giác của một bộ phận người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thu nhập thấp; thiếu hiểu biết, thiếu thông tin về chính sách xuất khẩu lao động, pháp luật về xuất nhập cảnh, một số đối tượng tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép để lấy chi phí thù lao.

Đáng chú ý, một số tổ chức, cá nhân đã hình thành đường dây tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, người nước ngoài di cư bất hợp pháp vào Việt Nam, họ tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo, những người có nhu cầu xuất khẩu lao động, chi phí thấp, lương cao, thủ tục đơn giản (chủ yếu đến các nước Trung Quốc, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Đài Loan, Lào…). Một số đối tượng bán cho chủ sử dụng lao động làm việc bất hợp pháp trong các nhà máy, nhà hàng, cơ sở giải trí, trung tâm cá cược, sòng bạc…

Bộ đội biên phòng Sơn La và các lực lượng tiếp nhận nạn nhân Lò Thị H.  Ảnh Biên phòng cung cấp. 

Thực tế, nhiều trường hợp xuất nhập cảnh trái phép đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân, là nỗi đau cho gia đình, người thân. Xuất nhập cảnh trái phép, trốn ở lại nước ngoài trái phép sẽ đẩy bản thân công dân vào hoàn cảnh cư trú bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước sở tại, rất dễ bị chủ sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động, chậm trả lương, thậm chí bị cướp, bị bạo hành; điều kiện sinh hoạt, nghỉ ngơi tạm bợ. Nếu bỏ trốn thì bị đánh đập, còn muốn nghỉ việc và rời khỏi thì phải nộp tiền chuộc rất cao.

Điển hình như em Lò Thị H, sinh năm 2003, trú ở huyện Mường La. Vào đầu tháng 6/2023, em Lò Thị H xin gia đình đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, gia đình mất liên lạc, gia đình và bạn bè đã tìm nhiều cách nhưng vẫn không liên lạc được.

Đến giữa tháng 8/2023, Lò Thị H có liên lạc về với gia đình qua mạng xã hội và nói đang ở Myanmar làm việc cho một công ty giải trí trực tuyến, bị giam giữ, bỏ đói, thường xuyên bị đánh đập. Tiếp đó, tháng 12/2023, H lại liên lạc được với gia đình và báo rằng đã bị bán cho một công ty giải trí khác tại tỉnh Bò Kẹo (Lào), bị ép làm công việc lừa đảo trực tuyến, thường xuyên bị chích điện, đánh đập, bỏ đói. Phía công ty này, yêu cầu gia đình chuyển cho bọn chúng 200 triệu đồng thì mới được thả về.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát của Bộ đội biên phòng đã hướng dẫn nạn nhân trốn thoát khỏi nơi giam giữ vào ngày 2/3/2024. Cùng lúc này, lực lượng bộ đội biên phòng đã hiệp đồng với lực lượng chức năng nước bạn Lào đón nạn nhân đưa về trụ sở Công an tỉnh Bò Kẹo. Dưới sự chỉ đạo của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã trao đổi với Tổ chức Trẻ Em Rồng Xanh và được hỗ trợ đưa nạn nhân từ Lào trở về với gia đình. Ngày 16/3/2024, Lò Thị H đã được bàn giao về với gia đình an toàn sau 10 tháng bị lừa bán sang nước ngoài.

Vụ việc của em H là một trong số ít trường hợp may mắn được lực lượng chức năng giải cứu thành công, vẫn còn nhiều trường hợp đi lao động, làm việc gặp tai nạn chưa được giải cứu, thậm chí có trường hợp tử vong tại nước ngoài nhưng không được pháp luật nước sở tại bảo hộ. 

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn

Chủ động trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh đã thành lập các tổ công tác đến địa bàn các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, phối hợp với công an cấp xã triển khai đồng bộ việc cấp hộ chiếu, thông hành biên giới cho công dân và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xuất nhập cảnh, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng thường sử dụng để nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm, tổ chức cho người Việt Nam, người nước ngoài xuất nhập cảnh trái phép.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính trong cấp giấy tờ xuất nhập cảnh cho công dân. Thường xuyên phối hợp với lực lượng biên phòng nắm tình hình, trao đổi thông tin, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh và xử lý giải quyết các vụ, việc liên quan đến xuất nhập cảnh trái phép.

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh tuyên truyền giáo dục pháp luật lĩnh vực xuất nhập cảnh cho nhân dân xã Chiềng Khương. 

Từ đầu năm đến nay đơn vị đã chủ trì, phối hợp tổ chức tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xuất nhập cảnh cho cán bộ chủ chốt, nhân dân, lưu học sinh Lào, giáo viên các trường đại học, cao đẳng… trên địa bàn các huyện biên giới. Tuyên truyền, hướng dẫn cho hơn 1.000 lượt công dân làm thông hành biên giới.

Tiếp nhận và duyệt 4.467 hồ sơ đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cấp hộ chiếu; cấp giấy thông hành biên giới Việt - Lào cho 3.060 công dân; tiếp nhận trao trả 1.682 hộ chiếu qua dịch vụ bưu điện cho công dân, góp phần kiềm chế xuất nhập cảnh trái phép, vi phạm pháp luật xuất nhập cảnh.

Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh hướng dẫn nhân dân thủ tục hành chính.

Thượng tá Nguyễn Quốc Phong, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh, cho biết: 5 tháng đầu năm, đơn vị đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 6 vụ, 6 trường hợp với các lỗi, qua lại biên giới quốc gia không làm thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định; lỗi khai không đúng sự thật để được cấp hộ chiếu; người nước ngoài đi vào khu vực Nhà nước quy định cần có giấy phép mà không có giấy phép. Qua đó phạt tiền 5 trường hợp công dân Việt Nam, phạt tiền và trục xuất 1 trường hợp người nước ngoài quốc tịch Trung Quốc. Phối hợp với Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc phát hiện, bắt quả tang 1 đối tượng có hành vi đưa người nhập cảnh trái phép từ Lào về Việt Nam, đơn vị đã phối hợp hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật, chuyển đối tượng và hồ sơ vụ việc cho Cơ quan an ninh điều tra tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.

Nhân dân làm thủ tục cấp hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh. 

Từ năm 2024 đến nay, lực lượng Biên phòng tỉnh Sơn La đã phát hiện, xử lý 29 vụ, 42 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép, trong đó chủ trì xử lý vi phạm hành chính 18 vụ, 39 đối tượng, thu nộp ngân sách Nhà nước 149 triệu đồng. Phối hợp với Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc thuộc Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng khởi tố, bàn giao Công an tỉnh Sơn La 1 vụ, 3 đối tượng.

Mặc dù lực lượng công an, biên phòng trên địa bàn tỉnh vào cuộc tuyên truyền, đấu tranh, xử lý nhiều vụ việc song tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, qua lại biên giới không đúng nơi quy định có chiều hướng gia tăng cả tính chất và số vụ, tập trung chủ yếu là tuyến thị xã Mộc Châu, huyện Yên Châu, nơi có các cửa khẩu.

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh hướng dẫn, tiếp nhận thủ tục hành chính cho nhân dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. 

Trung tá Vì Văn Chương, Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết: Lực lượng Biên phòng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về xuất nhập cảnh cho người dân khu vực biên giới, khuyến khích quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác, cung cấp thông tin về các hành vi xuất nhập cảnh trái phép. Tăng cường các đợt tuần tra thường xuyên và đột xuất, kết hợp mật phục tại các điểm nóng xuất nhập cảnh trái phép. Chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến quản lý biên giới, xuất nhập cảnh, tăng nặng mức xử phạt hành vi xuất nhập cảnh trái phép và tổ chức môi giới.

Tăng cường công tác phòng chống xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần tìm hiểu, nâng cao nhận thức và chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh; không tiếp tay, tham gia các hoạt động môi giới, tổ chức, đưa dẫn người khác xuất nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép.

Khi phát hiện đối tượng nghi xuất nhập cảnh trái phép, tham gia môi giới, hỗ trợ, tạo điều kiện, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép đề nghị các cá nhân, tổ chức báo ngay cho lực lượng Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Sơn La để phối hợp xử lý (số điện thoại liên hệ 0212.3853.085 – 0984.718.817).

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới