Tái chế phế liệu, bảo vệ môi trường

Bằng đôi bàn tay khéo léo, cùng những ý tưởng sáng tạo, trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có rất nhiều người sử dụng phế liệu, tái chế thành những món đồ có giá trị sử dụng hằng ngày, góp phần giảm thiểu việc xả rác thải nhựa, rác thải khó phân hủy ra môi trường.

Với sự sáng tạo, cùng đam mê thực hiện những món đồ trang trí cho gia đình mình, anh Tòng Văn Tiến, bản Dửn, xã Chiềng Ngần đã tự tìm hiểu và tận dụng một số món đồ bỏ đi để “hồi sinh” cho chúng, như: lốp xe ô tô, những tấm gỗ pallet… Anh Tiến chia sẻ: Qua mạng internet và sở thích sáng tạo của bản thân, tôi đã tự tìm hiểu việc sử dụng những chiếc lốp xe ô tô không sử dụng để làm bàn uống nước. Tôi sử dụng những đoạn dây thừng quấn quanh lốp xe hoặc sơn lại bên ngoài, sau đó sử dụng những tấm gỗ, hoặc nhựa mica trong suốt để làm mặt bàn, tạo nên một chiếc bàn uống nước độc đáo, lạ mắt. Hay những tấm gỗ pallet đựng hàng, sau khi được mở ra và bỏ đi, tôi mang về mài mịn, sử dụng sơn để trang trí màu sắc, tận dụng làm thành những chiếc giường cho các con sử dụng.

Các loại vật liệu nhựa được tái chế để làm cây thông noel trang trí cho không gian sống.

Còn gia đình chị Lã Thuý Nga, bản Nà Cạn, xã Chiềng Ngần (Thành phố), lại lựa chọn một cách tái chế các sản phẩm nhựa một cách đặc biệt hơn. Tận dụng không gian trống trên phần sân thượng của gia đình, thay vì để đồ hoặc để trống như nhiều gia đình khác, chị Nga sử dụng các thùng nhựa xốp, thùng sơn, các lon sữa bột... để trồng rau xanh và tạo không gian tươi mát cho gia đình. Chia sẻ về việc trồng rau từ trong những thùng xốp, chai nhựa... chị Nga nói: Thay vì vứt bỏ các đồ hộp nhựa ra môi trường, tôi tận dụng chúng để trồng rau xanh, vừa cải thiện được bữa ăn, vừa tạo không gian xanh và hoạt động trải nghiệm trồng, chăm sóc cây cho con nhỏ. Không những vậy, tôi còn có thể giáo dục con trẻ thêm yêu môi trường bằng việc không xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nilon và nhựa. Hiện, tôi sử dụng các vỏ nhựa chai nước ngọt để trồng hành lá, thùng xốp trồng các loại rau cải, rau xà lách, cà chua... đáp ứng được phần nào nhu cầu rau xanh của cả gia đình.

Tại Trường Mầm non Ánh Dương, xã Hua Nhàn (Bắc Yên), thời gian qua, các cô giáo của nhà trường luôn tận dụng đồ phế liệu như: vỏ hộp sữa, chai nước, bìa nhựa… để sáng tạo thành nhiều món đồ chơi hấp dẫn cho trẻ, vừa giúp trẻ vui chơi, học tập, vừa giúp giảm chi phí mua đồ chơi và thiết bị mẫu giáo; đồng thời, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường và giáo dục tình yêu thiên nhiên cho trẻ.

Cô giáo Trần Thị Khánh Vân, Hiệu Trưởng Trường Mầm non Ánh Dương, xã Hua Nhàn, chia sẻ: Giúp trẻ thêm yêu và bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhà trường đã đẩy mạnh phong trào tái chế các sản phẩm từ nhựa, bìa cát tông… để làm đồ chơi cho trẻ. Không những vậy, nhà trường còn tổ chức các cuộc thi làm đồ chơi từ những các vật liệu trên. Qua đó, cô và trò có thể thỏa sức sáng tạo, đồng thời, tuyên truyền rộng rãi việc bảo vệ môi trường thông qua những sản phẩm tái chế.

Các cô giáo của trường Mầm non Ánh Dương đang thiết kế đồ chơi làm được làm từ bìa cát tông và vỏ nhựa

Trong lớp học, các đồ chơi như: lục lạc, bộ âm thanh kích thích tư duy, trí não… đều được làm từ phế liệu thông qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các cô giáo. Hưởng ứng phong trào “Phòng, chống rác thải nhựa và túi nylon”, trường tận dụng các loại phế liệu tạo ra những món đồ chơi phù hợp với tình hình thực tế của trường và lớp. Hơn nữa, đặc thù giảng dạy ở bậc mầm non là giáo án mỗi năm không giống nhau; mỗi tháng, trường đều đưa ra chủ đề giảng dạy, từ đó dụng cụ học tập, vui chơi cho các bé cũng phải cập nhật thường xuyên. Nhờ tận dụng các đồ phế liệu, trường giảm rất nhiều chi phí mua đồ chơi và thiết bị mẫu giáo. Đến nay, trường có trên 60% đồ dùng vui chơi cho trẻ được làm từ phế liệu.

Những món đồ chơi được hoàn thành từ những vật liệu nhựa được tái chế rất đẹp mắt

Bằng những việc làm cụ thể, cùng ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường, những người dân trên địa bàn tỉnh đã và đang chung tay, góp sức nhỏ cùng lan toả những việc làm ý nghĩa, xây dựng một môi trường xanh, sạch.

Đức Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới