Nâng cao chất lượng quyền công tố

Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mộc Châu đã đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, thực hiện nghiêm minh pháp luật.

Giọng nữ
VKSND huyện Mộc Châu triển khai công tác kiểm sát năm 2025.

Thực hiện quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Mộc Châu đã tăng cường phối hợp liên ngành với cơ quan điều tra và lực lượng biên phòng, để nắm bắt, quản lý tình hình tội phạm. Đồng thời, phân công Kiểm sát viên bám sát nội dung vụ án và tiến trình tố tụng, yêu cầu điều tra đầy đủ, kịp thời; những vụ án có vướng mắc được báo cáo kịp thời với lãnh đạo cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc giải quyết đúng căn cứ pháp luật.

Đồng chí Trần Công Tiến, Viện trưởng VKSND huyện Mộc Châu, cho biết: Định kỳ hằng tháng, VKSND huyện phối hợp với cơ quan điều tra đánh giá tình hình tội phạm để chủ động phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm phức tạp hoặc có khó khăn, vướng mắc kịp thời tổ chức họp liên ngành các cơ quan tư pháp để phối hợp giải quyết, qua đó bảo đảm các tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện đầy đủ, đúng quy định.

Viện trưởng VKSND huyện Mộc Châu chỉ đạo giải quyết án.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan điều tra tiến hành điều tra, giải quyết các vụ án hình sự hiệu quả, VKSND huyện yêu cầu bắt buộc kiểm sát viên định kỳ rà soát tổng hồ sơ, từ đó, nhận định đánh giá những hướng điều tra tiếp theo và hướng giải quyết vụ án; 100% các vụ án kết thúc điều tra đều được VKSND huyện truy tố ngay. Việc truy tố của VKSND huyện được Tòa án xét xử không khác tội danh, khung khoản điều luật mà VKSND huyện truy tố, tỷ lệ giải quyết án giữa VKSND huyện với cơ quan điều tra đạt tỷ lệ trên 95%. Đối với công tác xét xử sau khi truy tố, giao cho các kiểm sát viên chuẩn bị các nội dung luận tội, dự kiến tình huống phát sinh, tranh luận tại phiên tòa, đề cương xét hỏi và chủ động phối hợp với hội đồng xét xử trong quá trình xét hỏi tại tòa án; việc xét xử đạt 99%...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của VKSND huyện được tập trung đẩy mạnh; đã ứng dụng công nghệ thông tin vào số hóa hồ sơ vụ án, ứng dụng trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, nâng cao tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng, mang lại hiệu quả cao trong quá trình xét hỏi, tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Năm 2024, VKSND huyện xây dựng sơ đồ tư duy 43 vụ án đưa ra xét xử, trình chiếu tại phiên tòa.

VKSND huyện Mộc Châu xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy.

Kiểm sát viên Trịnh Thị Thủy, VKSND huyện Mộc Châu cho biết: Chúng tôi luôn ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm sát giải quyết các vụ việc, tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm sát viên, kiểm tra viên nghiên cứu, khai thác, cập nhật tài liệu bất cứ lúc nào mà không phụ thuộc vào hồ sơ gốc; phục vụ tối đa việc công bố những tài liệu, chứng cứ cần thiết bằng hình ảnh tại phiên tòa, từng bước nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án.

Với việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, năm 2024, VKSND huyện Mộc Châu đã kiểm sát thụ lý, giải quyết 263 vụ việc tin báo, tình hình tội phạm, trong đó, xử lý xong 258 vụ việc; kiểm sát điều tra 249 vụ, 311 bị can; truy tố 208 vụ, 266 bị can; kiểm sát xét xử 212 vụ, 277 bị cáo. Kiểm sát việc bắt tạm giữ với 266 người, tạm giam 318 người. Kiểm sát việc giải quyết 257 vụ việc tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình; kiểm sát 455 việc phải thi hành án dân sự...

Với mục tiêu “Tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật; không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu công tác nghiệp vụ được giao”, VKSND huyện Mộc Châu tiếp tục gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa; kiểm sát các hoạt động tư pháp nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, dân sự, bảo đảm việc thực thi pháp luật công bằng, nghiêm minh.

Bài, ảnh: Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới