Ngày 15/7/1950, tại núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên được thành lập - Tiền thân của lực lượng TNXP Việt Nam. Trải qua 71 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ TNXP đã phát huy truyền thống xung kích, tình nguyện, phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên khắp các chiến trường, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Trong đó, có hàng nghìn TNXP Sơn La đã hiến dâng tuổi thanh xuân, xương máu trong các cuộc kháng chiến cứu nước; hăng say lao động sản xuất, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Các cựu TNXP tiêu biểu nhận Bằng khen của Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam
nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống năm 2020.
Ảnh: PV
“75 ngày đêm địch phá, ta lại sửa, ta đi, không để một giờ nào mạch máu giao thông ngừng chảy”, đã mấy chục năm trôi qua, nhưng cựu TNXP Thái Hữu Hoành, tổ 11, phường Quyết Thắng (Thành phố) không quên những ngày tháng oanh liệt tham gia san lấp hố bom tại cầu Tà Vài (Yên Châu) và ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn). Ở hai địa điểm này, máy bay địch từng đánh phá rất ác liệt, hòng chặt đứt tuyến đường huyết mạch, không cho quân ta tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Trong câu chuyện với chúng tôi tại nhà riêng, ông Hoành đã bật khóc khi nhớ lại kỷ niệm của một lần tìm di vật đồng đội hy sinh tại ngã ba Cò Nòi, chỉ tìm được vài mảnh quần, mảnh áo và một cánh tay... Nước mắt chảy dài trên gương mặt của người cựu TNXP hơn 80 tuổi, khiến chúng tôi bồi hồi xúc động, cảm phục tinh thần anh dũng và tình đồng đội sâu đậm của các cựu TNXP.
Từng là TNXP và cũng đã trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng ông Vũ Xuân Hải, tổ 3, phường Chiềng Sinh (Thành phố) vẫn nhớ thời gian tham gia lực lượng TNXP. Đó là giai đoạn 1968-1970, chàng thanh niên trẻ Xuân Hải xung phong tham gia lực lượng TNXP mở tuyến đường từ khu vực Chờ Lồng vào mỏ than Hang Mon (Yên Châu). Ông Hải nhớ lại: Cứ sáng sớm hàng ngày, chúng tôi lại mang cuốc, xẻng, kíp mìn… vượt núi để phá đá mở đường. Dù rất nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng với tinh thần: “Đâu cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên”, chúng tôi đã lao động hăng say, hết mình để hoàn thành tuyến đường đúng tiến độ kế hoạch.
Đoàn đại biểu Cựu TNXP Sơn La thăm lại chiến trường xưa
tại 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình năm 2019.
Ảnh: Nguyễn Mai (Hội Cựu TNXP Sơn La)
Năm tháng trôi qua, trở về với cuộc sống đời thường, các cựu TNXP Sơn La có chung một mái nhà: Hội Cựu TNXP Sơn La, để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời khói lửa oanh liệt, chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả để có cuộc sống khá giả. Nói về việc tập hợp các cựu TNXP tham gia tổ chức hội, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội TNXP Sơn La, chia sẻ: Với phương châm: “Ở đâu có cựu TNXP ở đó có tổ chức hội”, hiện Hội có trên 2.900 hội viên sinh hoạt tại Hội TNXP 10 huyện, thành phố và 2 ban liên lạc cựu TNXP trực thuộc Tỉnh hội. Các cựu TNXP luôn phát huy truyền thống cách mạng, tiên phong, gương mẫu trong các phong trào, các hoạt động tại địa phương; tuyên truyền, vận động nhân dân, con cháu thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp sức vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Những năm qua, Hội đã tổ chức cho 300 lượt cán bộ, hội viên về thắp nến tri ân, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Di tích lịch sử TNXP Ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn) và các nghĩa trang trong tỉnh; đưa trên 100 cán bộ, hội viên thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; hàng nghìn lượt hội viên về thăm cầu Tà Vài (huyện Yên Châu), Nhà ngục Sơn La… Hội còn tiếp nhận nguồn kinh phí, các phần quà của các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tặng hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các thương binh, gia đình chính sách. Trong đó, đã tặng 50 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, trị giá 3.120 triệu đồng; 89 sổ tiết kiệm, trị giá 357 triệu đồng; 1.814 phần quà, trị giá 753 triệu đồng.
Cuộc vận động “Cựu TNXP nêu gương sáng, học tập, làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua: “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi để thoát nghèo - vì nghĩa tình đồng đội”, “Cựu TNXP chung tay xây dựng nông thôn mới”... Đã có nhiều mô hình kinh tế của các cựu TNXP mang lại hiệu quả cao, có thu nhập từ 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/hộ/năm...
Chia sẻ với chúng tôi về phong trào: “Cựu TNXP sản xuất giỏi - vì nghĩa tình đồng đội”, ông Đinh Công Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Mai Sơn, cho biết: Tùy theo điều kiện của gia đình, các hội viên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, như: Phát triển trang trại cây ăn quả, trang trại chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ… Đã có 33 cựu TNXP được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Điển hình là các hội viên: Nguyễn Đắc Khánh, Nguyễn Tuấn Lân (xã Hát Lót); Vũ Thị Tuyên, Đào Thị Nga (thị trấn Hát Lót); Lê Thị Lan (xã Cò Nòi)... có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên. Hưởng ứng chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 7 cựu TNXP đã hiến 2.400 m² đất để làm đường giao thông nông thôn.
Lời Bác dạy: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, sẽ mãi là kim chỉ nam của các thế hệ TNXP trên các hoạt động vì độc lập, tự do của đất nước và ngời sáng tinh thần xung kích, tình nguyện trong xây dựng cuộc sống mới hôm nay.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!