Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Mường La có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, là nơi hội tụ văn hóa đặc sắc của 5 dân tộc, gồm: Thái, Mông, Kinh, Kháng, La Ha, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật được nâng lên; hoạt động văn học, nghệ thuật được quan tâm, các hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp có bước phát triển mới; hoạt động phổ biến tác phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng...

Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các sản phẩm tinh hoa văn hóa, văn học, nghệ thuật, góp phần phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, hàng năm, huyện Mường La đã triển khai đồng thời nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội với phát triển văn hóa. Quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế, môi trường văn hóa, các hình thức hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy phát triển phong trào văn hóa - nghệ thuật quần chúng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong huyện.

Triển lãm nét đẹp văn hóa, danh lam thắng cảnh của các địa phương tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, đã từng bước hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa, khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa khu vực trung tâm huyện và vùng sâu, vùng xa, vùng cao được thu hẹp. Trên địa bàn huyện có 300 đội văn nghệ, gần 200 nghệ nhân dân gian; trong đó 50% số nghệ nhân có các hoạt động thường xuyên trong việc tự biên, sáng tác, truyền dạy các tác phẩm văn hóa phi vật thể; tiêu biểu là 2 nghệ nhân ưu tú Cầm Vui và Lò Thị Hỷ.

Đến nay, huyện đã tổ chức sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn học, nghệ thuật các dân tộc, gồm: Nghệ thuật hát Then, múa Then của dân tộc Thái xã Ngọc Chiến; múa tăng bu lễ hội phồn thực Pang a, dân tộc La Ha; truyền dạy múa Xòe dân tộc Thái; sưu tầm cốt truyện kể các di tích lịch sử, các địa danh trên địa bàn huyện. Huyện quan tâm tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, như: Hỗ trợ kinh phí cho các đội văn nghệ các bản, tiểu khu; bố trí kinh phí hoạt động sự nghiệp tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa, xây dựng và tuyển dụng công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ văn hóa kiêm phát triển văn học, nghệ thuật. Bố trí kinh phí phục dựng các lễ hội truyền thống, duy trì phát triển các lễ hội dân gian...

Bên cạnh đó, huyện quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa. Đến nay, 16/16 xã, thị trấn có nhà văn hóa; 170/201 bản, tiểu khu có nhà văn hóa; cấp 525 bộ trang thiết bị âm thanh, bàn, ghế. Các thiết chế văn hóa được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, một phần kinh phí xã hội hóa thu hút từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện. Toàn huyện có 1 phòng tập thể dục thể hình, 1 phòng thể dục thẩm mỹ, 1 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 40 sân bóng chuyền, 15 sân cầu lông, 3 nhà tập đa năng, 3 bể bơi, 76 câu lạc bộ thể thao được thành lập trên cơ sở tự nguyện.

Ông Lò Văn Minh, công chức văn hóa xã Mường Trai, cho biết: Phong trào văn hóa, văn nghệ của xã Mường Trai ngày càng phát triển, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Năm 2023, xã Mường Trai được huyện quan tâm hỗ trợ phục dựng lễ hội Nàng Han, nhằm khôi phục, tưởng nhớ công ơn to lớn của vị nữ tướng đã có công đánh đuổi giặc phương Bắc, gìn giữ bình yên cho bản làng; đồng thời là dịp để quảng bá, thu hút khách du lịch.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, các cấp ủy, chính quyền huyện Mường La tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp, bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới