Phát huy giá trị Đề cương văn hóa Việt Nam xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La

Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng soạn thảo năm 1943 là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Đã 80 năm kể từ thời điểm được công bố, nội dung và ý nghĩa của bản đề cương vẫn còn nguyên giá trị, trở thành cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và khơi nguồn cho sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam.

Nghệ thuật xòe Thái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 

Lĩnh hội những giá trị từ Đề cương văn hóa Việt Nam, tỉnh Sơn La đã và đang vận dụng sáng tạo nội dung của bản đề cương quý báu ấy làm kim chỉ nam cho công cuộc phát triển văn hóa, con người Sơn La. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của nhiệm kỳ mới là phải “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Sơn La và vùng Tây Bắc, xây dựng con người phát triển toàn diện”. Đồng thời, “Lấy phát triển văn hóa, xây dựng con người làm yếu tố cốt lõi để phát triển kinh tế - xã hội”. Ngày 26/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận số 335-KL/TU về việc phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm tập trung xây dựng và phát triển văn hóa Sơn La từng bước trở thành một nguồn lực quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Những năm qua, ngành đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho tỉnh về xây dựng các kế hoạch, đề án, dự án, cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phát triển phong trào thể dục, thể thao, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Phối hợp cùng các ban, ngành trong thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đạt được những thành tựu đáng khích lệ trên các lĩnh vực. Nổi bật là công tác sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh ta có 12 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được công nhận, 2 “Nghệ nhân nhân dân”, 36 “Nghệ nhân ưu tú”. Đặc biệt, năm 2021, nghệ thuật xòe Thái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc ở Sơn La, quảng bá rộng rãi giá trị cao đẹp của văn hóa bản địa và con người Sơn La đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Công tác bảo tồn, bảo tàng cũng góp phần giúp phát huy tốt giá trị lịch sử, văn hóa của Sơn La. Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Sơn La hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh. Công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể luôn được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, tăng cường xây dựng các chuyên đề tuyên truyền, tổ chức các hoạt động giới thiệu di sản văn hóa, tôn tạo, bảo vệ, khai thác các di tích nhằm phát huy tốt vai trò là địa chỉ giáo dục về lịch sử, văn hóa của tỉnh.

Các diễn viên nghệ thuật quần chúng Sơn La giới thiệu điệu xòe cổ tại “Ngày hội Sắc xuân” trên mọi miền Tổ quốc.

Theo đánh giá năm 2022, danh hiệu gia đình văn hóa đạt 72,2%; danh hiệu bản, tổ dân phố văn hóa đạt 57,5%; danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa đạt 98%. Phong trào thể dục thể thao khởi sắc, đạt nhiều thành tích tại các giải đấu chuyên nghiệp mang tầm quốc tế, khu vực và quốc gia với 50 VĐV đẳng cấp quốc gia, 15 kiện tướng, 35 cấp I; duy trì hơn 500 câu lạc bộ thể thao toàn tỉnh. Những kết quả trên đã và đang góp phần khích lệ tinh thần thể dục thể thao, thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng được tỉnh quan tâm và khuyến khích với các phong trào sáng tác nghệ thuật trên mọi lĩnh vực phản ánh sinh động cuộc sống, tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc, quê hương. Khích lệ tinh thần sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, các nhà văn, nhà thơ người dân tộc thiểu số, hăng say đóng góp cho nghệ thuật tỉnh nhà. Các thiết chế văn hóa, phong trào văn nghệ được khuyến khích phát triển với hơn 3.000 đội văn nghệ quần chúng trên toàn tỉnh là bộ phận không thể thiếu để phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và tạo điểm nhấn thu hút trong phát triển du lịch ở địa phương.

Biểu diễn điệu xòe cổ tại Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc".

Nghệ nhân nhân dân Lò Văn Lả, phường Tô Hiệu, Thành phố, bộc bạch: Trước đây, đã từng có giai đoạn các dân tộc thiểu số ở Sơn La có nhiều tập quán lạc hậu, nhất là trong đám ma, đám cưới. Đến nay, các hủ tục đã được xóa bỏ, những giá trị văn hóa tốt đẹp được gìn giữ. Những người dành tâm huyết với văn hóa dân tộc như tôi và các nghệ nhân dân gian được ghi nhận. Đó là sự động viên lớn giúp các nghệ nhân tiếp tục cống hiến để bảo tồn và phát huy văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, các giá trị văn hóa được giữ gìn và phát huy; hủ tục được xóa bỏ, bài trừ mê tín dị đoan; chủ động hội nhập, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Ý nghĩa sâu sắc hơn, là khơi dậy lòng tự hào mỗi dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tinh thần vô cùng quý giá trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Sơn La ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp, cùng với cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thanh Đào - Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới