Mong muốn tiếng nói, chữ viết của dân tộc không bị mai một, nhiều năm qua, ông Lường Văn Chựa, ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu đã miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy chữ Thái, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Sau gần 35 năm làm cán bộ ngành Kiểm sát, cán bộ huyện, năm 2005, ông về nghỉ hưu và dành thời gian chuyên tâm nghiên cứu chữ Thái để truyền lại cho nhân dân trên địa bàn.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn truyền thống, ngay gian chính, ông Chựa giành để cất giữ các loại sách, tư liệu quý về văn hóa Thái mà ông đã dày công sưu tầm suốt cả đời mình. Mặc dù đã gần 80 tuổi nhưng ông Chựa vẫn còn minh mẫn. Ông tâm sự: Chữ Thái chính là di sản tinh thần, kết tinh trí tuệ của tổ tiên để lại, lưu giữ trong các sách cổ. Từ nhỏ, tôi đã được ông cha truyền dạy chữ viết. Càng học càng say mê những nét đặc sắc văn hóa gửi gắm phía sau những câu chữ. Đó là những làn điệu dân ca, bài hát giao duyên tình tứ, kho tàng thành ngữ, tục ngữ rất cô đọng, triết lý; thể hiện đời sống tinh thần phong phú của cộng đồng người dân tộc Thái xưa.
Tuy nhiên, điều làm ông Chựa trăn trở là lâu nay, các gia đình người dân tộc Thái ít giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Nhiều đứa trẻ lớn lên, đến trường và chỉ nhớ mình là người Thái khi ghi vào lý lịch. Nói tiếng Thái còn hiếm, nói gì đến chữ viết. Năm 2016, ông đã đề xuất với bản cho mượn nhà văn hóa và cùng với một số người bạn tổ chức dạy chữ Thái miễn phí cho bà con.
Ông Chựa nhớ lại: Ban đầu, mọi người háo hức lắm, nhưng khi bắt đầu học, thấy viết chữ khó quá nên nhiều người học được vài buổi thì dừng. Bên cạnh đó, cũng do thiếu tài liệu và những người tham gia lớp học đều là người cao tuổi, khả năng tiếp thu chậm; nhất là do cách viết, phát âm và ghép vần của chữ Thái khác so với tiếng phổ thông, nếu không kiên trì và ghi nhớ chữ cái thì không thể ghép vần và đọc được. Vì vậy, trong các buổi học, tôi luôn động viên, kiên trì chỉ dạy cho các học viên. Sau một thời gian, các học viên đến lớp đều đặn dần. Điều phấn khởi, là những người già sau khi hiểu được giá trị của chữ viết dân tộc mình nên đã vận động con cháu đi học.
Để học viên dễ tiếp thu, ông Chựa cùng các giáo viên đã nghỉ hưu dựa vào tài liệu dạy chữ Thái của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh xây dựng chương trình học phù hợp, phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Soạn giáo án gần gũi, thiết thực gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày; dành nhiều thời gian phân tích, giải nghĩa hoặc dịch ra tiếng phổ thông để học viên hiểu hơn. Ông còn tìm tòi, hướng dẫn bà con cài phần mềm học ngôn ngữ Thái trên máy tính và điện thoại để có thể học thêm tại nhà. Từ lớp học đầu tiên ở xã Chiềng Pằn, đã lan tỏa phong trào học chữ Thái sang các xã Chiềng Khoi, Chiềng Hặc, Sặp Vạt, thu hút nhiều lượt người tham gia.
Học viên Lò Thị Anh, bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, chia sẻ: Lớp chữ Thái rất bổ ích cho bản thân tôi. Không đơn thuần chỉ là học viết, học đọc mà còn học cả kho tàng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, càng thấy mình cũng phải có trách nhiệm học và bảo tồn chữ viết, tiếng nói dân tộc mình. Tôi sẽ cố gắng học để dạy lại cho các con, cháu.
Không chỉ miệt mài lưu giữ chữ viết, ông Chựa còn gìn giữ, bảo tồn những làn điệu dân ca, truyền dạy cách sử dụng các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái. Năm 2018, ông đứng ra thành lập nhóm bảo tồn văn hóa dân tộc Thái Yên Châu với 19 thành viên. Ngoài dân tộc Thái còn có thêm 6 người là dân tộc Khơ Mú cũng tham gia. Từ khi thành lập đến nay, ông Chựa cùng nhóm mở được 7 lớp học chữ, khèn bè Thái và lớp truyền dạy tiếng Khơ Mú miễn phí cho bà con trên địa bàn huyện.
Tâm huyết với văn hóa dân tộc, những việc làm của ông Lường Văn Chựa đã và đang góp phần lưu giữ và truyền đạt cho các thế hệ hiểu và thêm yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc. Với những đóng góp của mình, ông đã được Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Yên Châu tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Ông Lường Văn Chựa là một trong những điển hình thi đua yêu nước trong lĩnh vực văn hóa của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!