Ở huyện Phù Yên, Lễ mừng cơm mới thường được tổ chức cùng với Tết Xíp xí (ngày 15/7 âm lịch). Năm nay, Lễ mừng cơm mới được bà con tổ chức sau thu hoạch vụ xuân tại Đình Chu, bản Chiềng Hạ.
Vụ xuân năm nay, các xã trên cánh đồng Mường Tấc gieo trồng khoảng 1.300ha lúa, với cơ cấu giống chủ yếu là lúa BC15, J02, Đài thơm… Trong đó, có 630ha lúa trồng theo hướng hữu cơ và 130ha được cấp chứng nhận hữu cơ. Năng suất bình quân đạt 6,5 tấn thóc/ha, tăng 0,5 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Lễ mừng cơm mới được đồng bào dân tộc Thái coi trọng, giữ gìn từ nhiều đời nay, bởi không chỉ là hoạt động tín ngưỡng lành mạnh, còn mang tính giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn. Đồng thời, là dịp để nhân dân các bản gắn kết, chia sẻ niềm vui được mùa, công việc làm ruộng và thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng.
Ông Hoàng Văn Ành, bản Mo Nghè 1, xã Quang Huy, chia sẻ: Trong Lễ mừng cơm mới, các lễ vật được chuẩn bị gồm các sản vật được nuôi, trồng trên cánh đồng Mường Tấc, như: Thịt vịt, xôi, cơm trắng… Bao đời nay, chúng tôi luôn giữ gìn nét văn hóa truyền thống, để duy trì cho các thế hệ sau.
Trong khuôn khổ Lễ mừng cơm mới năm nay, có nhiều hoạt động, như thi nấu cơm, bắt trạch trong chum, không gian trưng bày triển lãm ảnh với chủ đề “Mường Tấc - Mùa nếp thơm”. Đặc biệt, trò chơi thi nấu cơm, nhận được sự cổ vũ của đông đảo nhân dân và du khách.
11 đội chơi, với 55 thành viên đến từ các bản vùng thấp của xã Quang Huy đã trải qua các phần thi tái hiện từng công đoạn để có được 1 bát cơm trắng, từ giã thóc bằng tay, sàng gạo cho đến phần thi gánh nồi gang để nấu cơm trong thời gian di chuyển một vòng qua ao Noong Bua. Các đội thi sử dụng nguồn nhiệt từ các bó tre, rơm, rạ để nấu chín cơm trong khi vừa di chuyển, vừa đảm bảo ngọn lửa tác động đều dưới đáy nồi để cơm chín. Phần thi này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội thi.
Anh Lê Văn Nghĩa, Đội thi bản Cang, xã Quang Huy, chia sẻ: Thi nấu cơm là trải nghiệm thú vị đối với tôi và các thành viên trong đội, bởi đã nhắc cho thế hệ trẻ chúng tôi biết sự vất vả của thế hệ cha ông trong việc sản xuất ra hạt gạo, từ đó tích cực nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống.
Điểm nhấn trong Lễ mừng cơm mới năm nay, là hội nghị tổng kết mô hình “Ruộng nhà mình” lần đầu tiên được triển khai, quy mô trên 8,2ha, với 128 thửa ruộng của 50 hộ dân bản Búc và bản Chiềng Thượng tham gia. Mô hình đem lại những tác động tích cực cho sản xuất lúa, thúc đẩy chuyển đổi số, việc sản xuất hữu cơ, góp phần mang lại sự cân bằng sinh thái trên đồng ruộng. Qua thực tế, việc trồng lúa theo hướng hữu cơ đạt từ 7-10 triệu đồng/ha. Đồng thời, mở ra hướng sản xuất mới theo hình thức tập trung trên cánh đồng lớn, giúp nông dân chủ động áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất thuận lợi hơn.
Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên, cho biết: Từ những kết quả và những tác động tích cực của mô hình “Ruộng nhà mình” ở các lĩnh vực môi trường, xã hội và kinh tế, huyện tiếp tục triển khai và nghiên cứu mở rộng mô hình trong các năm tiếp theo nhằm tăng diện tích trồng lúa hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất. Từng bước hướng tới cơ giới hóa sản xuất trên cánh đồng lớn, đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Lễ mừng cơm mới được tổ chức thường niên, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Đây cũng là một trong những hoạt động được huyện Phù Yên chủ trương phục dựng, nhằm bảo tồn, duy trì những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái, đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!