Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, năm 2024, các ngành, tổ chức đoàn thể và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội chung tay xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới, tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em gái phát triển bình đẳng.

Giọng nữ

Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. 

Ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Ngay từ đầu năm, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai hoạt động bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đẩy mạnh tuyên truyền các chỉ thị, kế hoạch về thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố phối hợp triển khai thực hiện những nội dung mới về bình đẳng giới phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ quan, đơn vị. Trong năm, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 2.527 buổi truyền thông, cung cấp thông tin về công tác dân số và phát triển, lồng ghép nội dung bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho hơn 50.000 người.

 Hưởng ứng Tháng cao điểm hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12), UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động, thu hút hơn 400 người tham dự. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện Thuận Châu tổ chức sự kiện Tô cam “Chung tay hành động vì bình đẳng giới”; Hội LHPN tỉnh tổ chức Chương trình chiến dịch truyền thông Ngày hội “Bình đẳng giới - Cho chúng ta” năm 2024… Qua đó, tạo sự lan tỏa sâu rộng hưởng ứng các hoạt động về bình đẳng giới.

Tham gia Lễ phát động Tháng hành động hưởng ứng hoạt động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, chị Tòng Thị Thắm, bản Cọ, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, cho biết: Qua lễ phát động, tôi biết thêm các chính sách an sinh xã hội đối với phụ nữ, vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại, cách ứng phó với bạo lực, các biện pháp phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em gái. 

Tiểu phẩm tại Liên hoan "Các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới" năm 2024.

Là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trên địa bàn tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội, nhất là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Vi Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thông tin: Hội đã chỉ đạo các cấp hội triển khai hiệu quả Dự án 8 về “Bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổ chức các cuộc thi, tạo điều kiện cho hội viên được giao lưu, học hỏi và nâng cao kỹ năng thực hiện công tác bình đẳng giới. Quan tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nhất là các hộ nghèo do phụ nữ là chủ hộ và phụ nữ làm chủ tại các hợp tác xã.

Hiện nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh duy trì hoạt động 339 “Tổ truyền thông cộng đồng”; 49 mô hình “Địa chỉ tin cậy”; 60 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Trong năm qua, đã tổ chức 152 hội nghị, chiến dịch truyền thông triển khai các nội dung thuộc Dự án 8 cho hơn 3.000 người; tổ chức 15 lớp tập huấn cho gần 900 cán bộ, hội viên các cấp về thực hiện bình đẳng giới. Tổ chức thành công Liên hoan "Các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới" năm 2024. Hội LHPN các huyện đã tổ chức 8 cuộc thi, hội thi, sự kiện bình đẳng giới, góp phần đẩy mạnh phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Cán bộ phụ nữ xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tuyên truyền Luật Bình đẳng giới cho hội viên. 

Công tác bình đẳng giới cũng được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm triển khai với nhiều hình thức, như tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về bình đẳng giới, về sức khỏe sinh sản cho cán bộ, giáo viên. Tích hợp các nội dung giáo dục về bình đẳng giới vào các môn học. Tổ chức tuyên truyền pháp luật, ngoại khóa, cuộc thi tìm hiểu về giới, giới tính, hướng dẫn học sinh biết kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, bị bạo lực, bị xâm hại. Hiện nay, toàn tỉnh có 34 mô hình “Câu lạc bộ bạn gái tiêu biểu” tại các trường THPT, với hơn 1.000 thành viên là học sinh. Qua đó, phát huy vai trò, khả năng của trẻ em gái ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

 Trong năm 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, nâng cao trình độ; tham gia các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp..., hướng tới đảm bảo bình đẳng giới tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới