Gần bốn thập kỷ đã trôi qua, cứ mỗi dịp trở lại mái trường xưa, là trong lòng lại rưng rưng nỗi niềm khó tả. Cảnh cũ, nhưng người xưa chẳng thấy. Những thế hệ thầy cô cũng đã chuyển đi muôn nơi. Các lớp học trò như chúng tôi lớn lên, dưới sự dìu dắt của thầy cô thuở ấy, đã học tập, trưởng thành ở khắp mọi miền Tổ quốc. Thầy, trò bây giờ đều đã đầu hai thứ tóc, nhưng vẫn vẹn nguyên lời chỉ dạy của thầy cô: Kiến thức là những viên gạch hồng để các em kiến thiết tương lai. Tôi và bạn bè đồng môn, như bao lớp học sinh của trường mang theo hành trang tri thức mà thầy cô truyền đạt, đã đi những quãng đường dài, qua gian nan vất vả, nhưng đầy trái ngọt hoa tươi.
Mái trường T2 -70 đóng ở Thuận Châu nay không còn, nhưng ký ức về một thời gian khó của ngôi trường nội trú thời bao cấp vẫn chưa bao giờ phôi phai. Thầy cô ngày ấy đều còn trẻ, đa số ở miền xuôi xung phong lên Tây Bắc dạy học, mang sức trẻ của tuổi thanh xuân mà cống hiến, nuôi và dạy các em dưới mái trường nội trú này. Thầy cô, học trò đều ở trong những mái nhà tranh vách nứa, gió lạnh thấu trời mùa đông. Thầy trò ăn chung bếp ăn nhà trường, đói no cùng chịu. Phải chăng như thế thầy cô càng yêu thương lũ trò nhỏ xa nhà như chúng tôi biết bao nhiêu. Hình ảnh một lớp thầy cô sáng sáng lên bục giảng truyền dạy kiến thức, chiều về ngoại khóa rồi cùng học trò tăng gia sản xuất; cùng ôm bóng ra sân cỏ náo nức những trận cầu, luôn còn khắc sâu trong tâm khảm bao người.
Ngày ấy, việc truyền dạy những con tính, những dãy số, bài văn... cho đám học trò chưa rành tiếng Việt là vô cùng khó khăn. Thầy giáo dạy tiếng Nga lại càng vất vả. Các thầy, các cô đã kiên nhẫn và tâm huyết cầm tay dắt chúng em đi từ ngày ấy. Ban đêm, dưới ánh đèn dầu vì không có điện, cả trường lại lên lớp ôn bài. Và kết thúc hầu như đều là bài hát của Nga “Thời thanh niên sôi nổi”. Có cô giáo dạy Sử, ngày chủ nhật nghỉ học, đã cùng lũ học trò lên núi hái rau rừng cải thiện thêm; hái những bụi phong lan rừng về trồng quanh nhà giáo viên, quanh lán học sinh ở. Tình yêu ngôi trường đơn sơ mà đằm thắm, tình yêu thiên nhiên phải chăng đã được nuôi dưỡng thêm từ những ngày như thế?
Từ mái trường T2-70 yêu dấu, biết bao thế hệ học sinh đã rời tổ ấm bay đi muôn phương. Bao người đỗ đạt thành danh. Có người làm cán bộ ở Trung ương, nhiều người trở về Sơn La, Thuận Châu chung sức, chung lòng xây dựng quê hương từ nghèo nàn thành ấm no, hạnh phúc. Ngày còn học tập và nội trú dưới mái trường xưa, bao bạn bè đã phải đi bộ xa vài trăm cây số đường rừng từ Yên Bái, Lai Châu để tựu trường, nghỉ hè, nghỉ tết - bởi vì không có xe. Thầy cô là những người khuyên nhủ, động viên, thậm chí là dỗ dành chúng em yên tâm học tập và sống có lý tưởng... Sau này mãi trên đường đời vạn dặm, chúng em vẫn tiếp bước trường chinh với nghị lực mà thầy cô đã truyền dạy.
Đã bao lần được gặp lại, hoặc có dịp thăm thầy cô giáo cũ, tìm về thầy chủ nhiệm năm xưa. Xúc động lắm không lời nào tả hết. Thầy ân cần thăm hỏi từng đứa... Nhìn mái đầu đã bạc của thầy, chúng tôi như lặng nghe những kỷ niệm êm đềm năm xưa ùa về của một thế hệ thầy cô đã dạy dỗ, nuôi dưỡng đàn em thơ T2- 70 như thế nào...
Chỉ là khi cuộc sống của một con người, đi đến tận cùng những gì cần đi và đọng lại, là dường như đã hoàn thành những kỳ vọng mà thầy cô đặt vào. Trên con đường ấy, thầy cô là vòm trời xanh sáng dắt chúng em đi. Nếu có ước muốn, chúng em mong như lời một bài ca “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại”.
Hoàng Hữu (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!