Tự do, dân chủ trong sáng tạo nghệ thuật (Tiếp theo và hết)(*)

Nhà nước luôn tạo điều kiện, khuyến khích sáng tạo trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Ảnh minh họa

Bài 2: Nhà nước tạo mọi điều kiện cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật

Để phát huy mọi khả năng sáng tạo, đưa văn hóa, trong đó có nghệ thuật, tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về quan điểm, chủ trương, chính sách, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, để từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các văn nghệ sĩ đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực hoạt động. Dù vậy, với cách nhìn hẹp hòi, định kiến, thiếu thiện chí, nhiều năm qua một số cá nhân, tổ chức vẫn cố tình phủ nhận thực tế đó, luôn tìm cách xuyên tạc, lớn tiếng lu loa cho rằng sáng tạo nghệ thuật đang bị kìm hãm…   

Dù đại dịch Covid-19 gây nhiều hệ lụy với tính mạng con người và sự phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua các hoạt động nghệ thuật vẫn diễn ra đa dạng, phong phú, kịp thời truyền tải năng lượng tích cực đến đời sống. Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đã thích ứng linh hoạt với nhịp sống bình thường mới bằng cách áp dụng các hình thức công chiếu trực tuyến, xuất bản điện tử. Các giải thưởng, liên hoan vinh danh tác giả, tác phẩm vẫn được tổ chức, công bố nhằm ghi nhận, động viên, khích lệ đóng góp tích cực của nghệ sĩ đối với đất nước, dân tộc. Sinh hoạt nghệ thuật diễn ra sôi nổi theo tinh thần tự do, dân chủ chính là thành quả từ quá trình đổi mới của Đảng và Nhà nước cũng như cách thức lãnh đạo, tổ chức, quản lý nghệ thuật, kết hợp với khuyến khích hoạt động sáng tạo. 

Cần khẳng định rằng Nghị quyết số 05-NQ/TW (1987) là cơ sở, là yếu tố khơi nguồn, “viên gạch móng” của tiến trình phát triển văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng, với tư tưởng chỉ đạo là để phát triển văn hóa, nghệ thuật cần khai thác mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo, bảo đảm các điều kiện để văn hóa, nghệ thuật làm tốt vai trò xã hội. Tiếp đó, Kết luận số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số vấn đề trước mắt trong công tác tư tưởng đã lần đầu đặt vấn đề xây dựng Luật Báo chí, Luật Xuất bản, các luật về văn hóa, nghệ thuật nhằm thay thế các văn bản không còn phù hợp xu thế phát triển. Đó là tiền đề cho sự ra đời của Luật Báo chí 1989, Luật Xuất bản 1993, Pháp lệnh 38-L/CTN bảo hộ quyền tác giả năm 1994, Nghị định 48/1995/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động điện ảnh… Các văn bản này đã tạo ra hành lang pháp lý cơ bản, bảo đảm cho các hoạt động nghệ thuật diễn ra tự do trong khuôn khổ pháp luật. Tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” thể hiện trong nhiều tác phẩm, đặc biệt là văn chương, sân khấu ra đời cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Và việc luật hóa các chính sách, ngân sách của Nhà nước về hỗ trợ, đầu tư, quảng bá, bảo vệ tác giả, tác phẩm bước đầu đã giúp nghệ sĩ cải thiện thu nhập, có mức sống ổn định bằng lao động nghệ thuật chân chính. 

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã phân tích việc xây dựng, ban hành các chính sách, bao gồm chính sách kinh tế trong văn hóa là chiến lược mới nhằm xây dựng và phát triển văn hóa. Quan điểm cho phép các thành phần kinh tế, kể cả tư nhân trong nước, thực hiện một số hình thức liên kết với một số cơ sở hoạt động văn hóa đã là cơ sở quan trọng để các cơ quan, bộ, ngành hợp tác nghiên cứu, tìm ra phương án tối ưu cho xu thế xã hội hóa nghệ thuật. Như trong lĩnh vực như điện ảnh, Quyết định 38/2002/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa-Thông tin quy định về điều kiện thành lập cơ sở sản xuất phim và thẩm quyền, thủ tục duyệt phim đã góp phần tạo sự thay đổi diện mạo điện ảnh với việc cho phép thành lập cơ sở sản xuất phim tư nhân. Sự xuất hiện của các hãng phim ngoài công lập đã mang lại luồng sinh khí mới cho điện ảnh Việt Nam với một số bộ phim được đánh giá cao như: Áo lụa Hà Đông (2006), Nụ hôn thần chết (2007), Huyền thoại bất tử (2009). Quan hệ hợp tác, liên kết giữa hãng phim nhà nước và hãng phim tư nhân, hãng phim quốc tế cũng đem lại nhiều bộ phim giá trị như: Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công (2003), Mùa len trâu (2004), Hà Nội, Hà Nội (2005), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015). Đồng thời, Thông tư 12/2015/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim đã đưa ra tiêu chí phân loại phim theo lứa tuổi, giúp các nhà làm phim lựa chọn đối tượng khán giả thích hợp. 

Dù vậy, thực tế gần 35 năm thực hiện đổi mới hoạt động nghệ thuật cũng cho thấy dù thị trường nghệ thuật Việt Nam phát triển sôi động với số tác phẩm tăng nhanh nhưng lại thiếu vắng tác phẩm có giá trị; thay vì tiếp biến phù hợp với văn hóa dân tộc thì một số trào lưu như nhạc Rap, phim độc lập lại được du nhập một cách hời hợt, sao chép thô kệch. Không khó để thấy một số nghệ sĩ quá chú tâm đến chủ đề nhỏ nhặt, tầm thường, thậm chí thấp kém. Cùng với đó là tình trạng sáng tác dễ dãi, chắp vá nội dung, xào nấu ý tưởng dẫn đến hệ quả tất yếu là một số phim, cuốn sách, bài hát bị dư luận lên án. Hy hữu trước khi chiếu chính thức, các bộ phim như Cậu Vàng, Trạng Tí phiêu lưu ký đã bị số công chúng tuyên bố “không mua vé ủng hộ”. Môi trường hoạt động nghệ thuật theo cơ chế thị trường, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao song một bộ phận ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng lại phát ngôn, hành xử không phù hợp thuần phong mỹ tục. Lối sống lệch chuẩn vừa ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp của các “ngôi sao giải trí”, vừa gây thiệt hại cho sản phẩm, chương trình họ tham gia. Điển hình như sự việc nam ca sĩ Trịnh Trần Phương Tuấn (Jack) tham gia Running Man Vietnam-Chơi là chạy, đã khiến chương trình phải nhận không ít búa rìu dư luận. Vì theo cảm nhận của một bộ phận khán giả, người có đời sống tình cảm bê bối như Jack thì không nên xuất hiện trên sóng truyền hình. Đó là thí dụ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra còn có những hội, nhóm nhân danh quyền tự do biểu đạt để sáng tác, truyền bá, cổ xúy tác phẩm có khuynh hướng bôi đen, bóp méo hiện thực, đi ngược lợi ích của nhân dân, đất nước. 

Trước hiện tượng tiêu cực trong nghệ thuật, thái độ tẩy chay của công chúng là điều dễ lý giải, cho thấy “gu” thưởng thức nghệ thuật, tiêu chí đánh giá của công chúng nghệ thuật đã nâng cao. Và họ còn thể hiện trong nhiều hoạt động khác như: Đề xuất coi sách là mặt hàng thiết yếu, góp ý phương án xem phim chiếu rạp an toàn, tranh luận sôi nổi trên các mạng xã hội về Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi… Trên Facebook, YouTube, Tiktok, nhiều cộng đồng có số thành viên lên tới hàng chục nghìn người thường xuyên trao đổi, chia sẻ đam mê đọc sách, xem phim, nghe nhạc, thưởng thức các loại hình nghệ thuật. Qua đó công chúng tỏ rõ thái độ không chấp nhận tác phẩm “mì ăn liền”, chất lượng yếu kém, nghệ sĩ nghiệp dư cả về trình độ lẫn tác phong, ứng xử. Nếu nghệ sĩ không sớm tự thân điều chỉnh, đầu tư nghiêm túc cho sự nghiệp, thì nguy cơ bị người hâm mộ quay lưng là hiển nhiên.

Từ quan niệm “tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc” thể hiện trong Nghị quyết 23-NQ/TW (2008) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, toàn bộ hệ thống chính trị và cơ quan chuyên trách ở Việt Nam luôn trân trọng, khẳng định, bảo vệ đóng góp của các nghệ sĩ với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe, chia sẻ các nguyện vọng chính đáng của nghệ sĩ, giúp tháo gỡ khó khăn để họ sáng tác, biểu diễn. Tuy nhiên, như mọi quyền khác của con người, tự do sáng tạo nghệ thuật cũng có giới hạn, tiêu chí riêng, quan trọng hơn là quyền đó luôn gắn liền trách nhiệm. Trách nhiệm được cụ thể hóa qua sáng tác lành mạnh, tôn vinh các giá trị chân-thiện-mỹ, luôn hướng tới nhân dân. Nói cách khác, dù tài năng thì nghệ sĩ vẫn là công dân của xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người luôn là hai mặt thống nhất. Không thể vì tự do sáng tạo mà coi nhẹ bổn phận với công chúng, với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Nhân danh tự do sáng tạo để làm ra sản phẩm phản văn hóa, đi ngược tiến bộ, tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội là có lỗi với công chúng. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân-tức là phục tùng chân lý” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 10, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.378).

-------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 26/11/2021.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đảng bộ xã Nậm Lạnh chú trọng phát triển đảng viên

    Đảng bộ xã Nậm Lạnh chú trọng phát triển đảng viên

    Xây dựng Đảng -
    Nậm Lạnh là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Sốp Cộp. Những năm trước đây, cơ sở hạ tầng yếu kém; trình độ dân trí chưa đồng đều, nhiều người chưa biết đọc, biết viết; nhiều bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Một số bản có chi bộ, nhưng lại thiếu đảng viên trẻ, nhất là ở các bản vùng sâu, vùng cao, như Bánh Han, Kéo Vai, Hua Lạnh...
  • 'Kết nối tạo việc làm cho người lao động

    Kết nối tạo việc làm cho người lao động

    Xã hội -
    Huyện Phù Yên đã tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp nghề; phối hợp tổ chức ngày hội việc làm, giúp người lao động được tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để có thêm nhiều cơ hội lựa chọn, tìm kiếm việc làm phù hợp với điều kiện, khả năng, trình độ của bản thân.
  • 'Mường La triển khai công tác tuyển quân

    Mường La triển khai công tác tuyển quân

    Quốc phòng -
    Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Bước vào đợt tuyển quân năm 2025, cấp ủy, chính quyền huyện Mường La đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu được cấp trên giao.
  • 'Tuổi trẻ Công an Vân Hồ hướng về cộng đồng

    Tuổi trẻ Công an Vân Hồ hướng về cộng đồng

    Xã hội -
    Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ, Đoàn Thanh niên Công an huyện Vân Hồ luôn phát huy vai trò xung kích vì cuộc sống cộng đồng, thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh người chiến sĩ công an vì nhân dân phục vụ.
  • 'Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX

    Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX

    Kinh tế -
    Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, thành phố Sơn La đã khuyến khích các hộ nông dân liên kết thành lập hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
  • 'Tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo

    Tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo

    Xã hội -
    Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế theo thế mạnh của địa phương, lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, nâng cao thu nhập cho nhân dân.