Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử

Từ năm 1977, Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) tổ chức một ngày đặc biệt cho cộng đồng bảo tàng trên toàn thế giới, đó là Ngày Quốc tế Bảo tàng (IMD) - ngày 18/5. Năm 2002, Việt Nam tham gia ICOM và thành lập Hội đồng Bảo tàng Việt Nam (ICOM Việt Nam). Tuy tham gia muộn hơn, song ICOM Việt Nam đã có nhiều hoạt động và đóng góp tích cực vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị di sản văn hóa dân tộc.

 

Du khách tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

 

Cùng với hệ thống bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã phát triển không ngừng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, nghiên cứu khoa học và phổ biến giáo dục khoa học thông qua hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, tuyên truyền phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh Sơn La. Hiện, đơn vị đang quản lý Bảo tàng - Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; Nghĩa trang Liệt sỹ Nhà tù Sơn La; Cây đa bản Hẹo; Văn bia Quế Lâm ngự chế - Đền thờ vua Lê Thái Tông; Nhà trưng bày di sản văn hóa vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La; Đền thờ Bác Hồ, Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc (Quảng trường Tây Bắc).

Tới tham quan Bảo tàng tỉnh, cảm nhận của chúng tôi về không gian đã thay đổi, với cách bài trí hiện đại, giàu bản sắc. Bảo tàng tỉnh đang quản lý và bảo quản 23.916 tư liệu hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương và quốc gia; trong đó, có 10.920 hiện vật và 12.996 tư liệu phim, ảnh, gồm: Các bộ sưu tập về hiện vật các dân tộc, khảo cổ học, lịch sử - văn hóa; hiện vật kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; sách chữ Thái cổ, chữ Dao cổ; kho di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; hồ sơ tù chính trị. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử - văn hóa của tỉnh.

Công tác sưu tầm hiện vật được đưa vào kế hoạch và cử cán bộ, viên chức của đơn vị phối hợp triển khai sưu tầm, tìm kiếm tư liệu, hiện vật, góp phần làm phong phú thêm kho tư liệu, hiện vật phục vụ các hoạt động trưng bày. Từ năm 2021 đến nay, đã sưu tầm 136 ảnh, 200 tư liệu hiện vật, 22 phim tài liệu, 4 hồ sơ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong, 44 hồ sơ của liệt sĩ thanh niên xung phong.

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Đơn vị luôn quan tâm đổi mới chất lượng công tác trưng bày, ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế mỹ thuật, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, dịch vụ phục vụ khách tham quan và tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch. Đội ngũ viên chức, người lao động được nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp trong các hoạt động phục vụ để đem tới sự hài lòng đối với khách tham quan.

Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tổ chức nhiều cuộc triển lãm ảnh, như: Triển lãm ảnh “Tinh thần Tô Hiệu”, kỷ niệm 110 năm ngày sinh (1912-2022) và 78 năm ngày mất (1944-2022) của đồng chí Tô Hiệu; “Thể thao Sơn La - Một chặng đường phát triển”, kỷ niệm 60 năm Thể dục thể thao tỉnh Sơn La (1962-2022) và phục vụ Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh lần thứ IX; phối hợp với Bảo tàng Hà Nội trưng bày triển lãm chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản triều Nguyễn di sản tư liệu thế giới”.

Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với các đơn vị trường học trong tỉnh trực tiếp tuyên truyền, giới thiệu về lịch sử dân tộc, giúp các em học sinh có thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội của địa phương, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước đối với các em học sinh, như: Chuyên đề “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La”; “Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La”; “Thời kỳ tiền sử - sơ sử Sơn La”... Đồng thời, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, như: Lễ Hết Chá của người Thái trắng, xã Đông Sang, Mộc Châu; thành lập Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”; trải nghiệm về văn hóa dân tộc Mông ở Sơn La; tinh thần Tô Hiệu. Đồng thời, tổ chức tốt việc tiếp đón và phục vụ các đoàn tham quan của các trường học đến tìm hiểu về truyền thống lịch sử tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh đã tiếp đón và phục vụ 57 cuộc giáo dục truyền thống, thu hút 3.300 giáo viên, học sinh tham gia.

Với chủ đề “Sức mạnh của Bảo tàng” (The Power of Museums) năm 2022, ICOM Việt Nam khuyến khích phát huy tiềm năng của các bảo tàng trong việc mang lại sự thay đổi tích cực trong cộng đồng thông qua những thế mạnh của bảo tàng, như: Hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa trong không gian số. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các chương trình quảng bá, phát triển công chúng; xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng trên không gian số. Đa dạng hình thức giáo dục tại bảo tàng, như: tổ chức tham quan - trải nghiệm, trình diễn di sản văn hóa, nói chuyện chuyên đề hoặc giới thiệu trực tuyến về di sản văn hóa.

Trên chặng đường phát triển, Bảo tàng tỉnh Sơn La cũng cần có sự hợp tác, đổi mới trên nhiều phương diện về nội dung và hình thức, cách làm sáng tạo trong trưng bày, linh hoạt nhạy bén với thời cuộc và môi trường xung quanh; phát huy sức mạnh, tạo sự liên kết giữa bảo tàng với các ngành, các doanh nghiệp lữ hành để phát huy thế mạnh thu hút khách du lịch, là điểm đến hấp dẫn cho người xem, như một sản phẩm du lịch không thể thiếu trong các chuyến du lịch đến Sơn La, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới