Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc

Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống của mỗi dân tộc luôn chứa đựng những giá trị văn hóa đặc trưng. Nhận thức rõ vấn đề này, huyện Vân Hồ đã và đang có nhiều cách làm sáng tạo để giữ gìn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.

Huyện Vân Hồ có 6 dân tộc cùng sinh sống, là Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Tày hội tụ nhiều giá trị văn hóa độc đáo trong các lễ hội, phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống... Mỗi dân tộc đều có trang phục thể hiện nét độc đáo, ý nghĩa và sự sáng tạo riêng có của dân tộc mình, như: Trang phục người Thái, Mường với những đường nét tuy đơn giản nhưng duyên dáng và thanh lịch, tôn lên vẻ đẹp chân chất; trang phục dân tộc Mông, dân tộc Dao thì sặc sỡ, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc...

             

Trang phục của đồng bào dân tộc trở thành sản phẩm du lịch giúp tăng thu nhập cho người dân.

             

Tại xã Vân Hồ, với 58% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, những người phụ nữ Mông ở đây vẫn giữ được phong tục may, thêu và sử dụng trang phục dân tộc trong cuộc sống thường nhật. Hầu hết các gia đình dân tộc Mông đều có máy may để tự may những bộ trang phục truyền thống. Cuộc sống thường nhật của người phụ nữ Mông luôn gắn liền với sợi lanh, khung dệt, cây kim, sợi chỉ, những lúc rảnh rỗi họ lại ngồi dệt vải, thêu váy áo, nhất là vào dịp giáp tết họ lại tập trung may, thêu trang phục cho bản thân và gia đình. Những năm gần đây, du khách khi đến với Vân Hồ đều yêu thích những bộ trang phục của người Mông, bởi màu sắc đẹp, lạ mắt. Trang phục không chỉ phục vụ đồng bào dân tộc Mông mà còn bán cho du khách để làm đồ lưu niệm. Nhờ đó, mặt hàng này đã trở thành hàng hóa và được nhiều hộ sản xuất phục vụ khách hàng thuê mặc chụp ảnh, hay mua về làm kỷ niệm.

             

Chị Lầu Thị Chi, bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, là người sưu tầm nhiều mẫu mã trang phục đồng bào Mông phục vụ du khách. Đặc biệt, vào các dịp lễ, tết, có ngày chị bán được gần 100 bộ trang phục đồng bào Mông. Chị Chi, chia sẻ: Hiện nay, ngoài nhu cầu sử dụng của người dân, du khách khi đến Vân Hồ cũng rất muốn mua trang phục đồng bào dân tộc Mông làm quà lưu niệm và thuê để chụp ảnh. Thời gian tới, tôi dự định thành lập một nhóm thêu may để chị em trong bản bản giữ gìn, duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc Mông và có thêm nguồn thu nhập.

             

Trang phục truyền thống của dân tộc Dao ở Vân Hồ luôn nổi bật với khăn vấn đầu, dây lưng, áo và váy. Áo người Dao không có cúc mà xẻ tà và quấn dây lưng; cổ áo phía sau được sâu 6 đồng bạc trắng, đây là nét đặc trưng của nhóm người Dao Tiền. Công đoạn để làm ra trang phục dân tộc Dao từ việc trồng bông, se sợi, dệt vải, nhuộm lá, cắt may, thêu thùa... tất thẩy đều do bàn tay người phụ nữ khéo léo, sáng tạo nên. Con gái Dao từ khi 8-10 tuổi đã được bà, được mẹ truyền dạy cho cách thêu thùa trang phục. Học thêu từ những họa tiết nhỏ trên tay áo, viền áo, khăn, khi đường kim, mũi chỉ thành thạo sẽ tự làm trang phục cho mình. Bà Bàn Thị Hạnh, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, chia sẻ: Để làm được một bộ trang phục thường mất từ 6 tháng đến hơn 1 năm. Ngày nay, người Dao chỉ mặc trang phục truyền thống vào những dịp lễ, tết, dịp trọng đại của gia đình; những người biết làm trang phục của dân tộc ngày càng ít hơn. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa trang phục dân tộc Dao là rất cần thiết.

             

Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng, trong đó trang phục mang dấu ấn, hơi thở và là linh hồn của dân tộc. Tất cả tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc, từ đó góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Từ năm 2021 đến nay, huyện Vân Hồ đã phối hợp với các nghệ nhân trên địa bàn mở 5 lớp tập huấn “Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia giữ gìn, bảo tồn trang phục, tiếng nói, chữ viết trong cộng đồng các dân tộc” cho hơn 200 lượt người; tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, nhằm đưa trang phục của đồng bào dân tộc trở thành sản phẩm du lịch, gắn với bảo tồn các nét đẹp văn hóa cũng như phát triển kinh tế, xã hội.

             

Bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Vân Hồ, cho biết: Huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò của các nghệ nhân trong việc truyền dạy thêu, may trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ để tiếp tục duy trì, bảo tồn nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình. Qua đó giúp đồng bào dân tộc nâng cao ý thức, tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch hiệu quả.

             

Việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống là yêu cầu cấp thiết hiện nay, không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần mà còn được khai thác để phát triển du lịch. Do đó, cùng với các cấp chính quyền địa phương, mỗi người dân cần nêu cao ý thức, tự hào về giá trị của những di sản văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng, từ đó có những đóng góp thiết thực trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới