Bản tin "Sơn La - Xưa và Nay", bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc

Bản tin "Sơn La - Xưa và Nay" là ấn phẩm của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh cung cấp những thông tin, kiến thức lịch sử, bảo tồn và lưu giữ truyền thống văn hóa của dân tộc. Bản tin trở thành món ăn tinh thần, tư liệu tham khảo bổ ích của độc giả trong và ngoài tỉnh.

Xuất bản số đầu tiên vào tháng 5/2012 với mục tiêu nghiên cứu về lịch sử, văn hóa tỉnh Sơn La trong quá khứ và hiện tại, đến nay, Hội Khoa học Lịch sử Sơn La đã xuất bản 52 kỳ bản tin với nhiều bài viết có giá trị về những câu chuyện trong quá khứ, những con số, nhân vật, sự kiện gắn với lịch sử, văn hóa địa phương, được thể hiện sống động trong các bài viết. Hay những bài nghiên cứu chuyên sâu với những tư liệu lần đầu tiên được công bố, nhiều bài viết với những tư liệu điền dã, những tư liệu gốc được thu thập từ Trung tâm lưu trữ quốc gia I, Thư viện Quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm... đã tái hiện một Sơn La đầy màu sắc trong suốt quá trình lịch sử. Không chỉ vậy, Bản tin còn cập nhật những đổi thay của Sơn La hôm nay, giúp độc giả có cơ hội biết đến một Sơn La với diện mạo mới của một Thành phố được ví như “Viên ngọc miền Tây Bắc”.

           

Người dân Sơn La đọc bản tin "Sơn La - Xưa và Nay".

           

Ông Nguyễn Vũ Điền, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, cho biết: Từ khi ra số đầu tiên, Bản tin “Sơn La - Xưa và Nay” đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo hội viên cùng bạn đọc. Từ đó đến nay, Ban Biên tập và hội viên luôn trau dồi kiến thức, học tập, nâng cao chất lượng các bài viết phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức lịch sử. Trong gần 10 năm đã sáng tạo trên 500 tin, bài nghiên cứu phong phú về lịch sử, văn hóa địa phương và cả nước, gần 1.000 ảnh tư liệu lịch sử và ảnh đương đại, góp phần đưa sự nghiệp sử học tỉnh nhà ngày càng phát triển.     

Là cộng tác viên thường xuyên của Bản tin, ông Phan Đức Ngữ, tổ 7, phường Tô Hiệu, Thành phố, cho biết: Bản tin "Sơn La - Xưa và Nay" đã giới thiệu, quảng bá lịch sử - văn hóa Sơn La đến nhiều địa phương trong cả nước. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức lịch sử thông qua việc xuất bản Bản tin của Hội còn góp phần hình thành cơ sở khoa học cho các ngành hữu quan hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách về kinh tế, văn hoá - xã hội; tôn tạo và phát huy bản sắc văn hoá, các di tích văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc Sơn La.

           

Ấn phẩm bản tin "Sơn La - Xưa và Nay".

           

Hiện nay, bản tin "Sơn La - Xưa và Nay" được xuất bản 4 số/năm, mỗi số in 1.300 quyển, phát hành đến 555 đơn vị trường học, 199 cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh cùng 125 hội viên. Tiến sỹ Tống Thanh Bình, Phó Trưởng bộ môn Lịch sử, Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Tây Bắc, cho biết: Bản tin cung cấp những dữ liệu, hỗ trợ việc quảng bá hình ảnh Sơn La tới cộng đồng. Nhiều bài viết trở thành nguồn tài liệu tham khảo quý giá, phục vụ việc thuyết minh các điểm đến phục vụ du khách. Có thể kể đến những bài viết về Nhà tù Sơn La, Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, các di tích lịch sử - văn hóa gắn với các thời kỳ lịch sử, các nhân vật lịch sử... Bản tin cũng là kênh tham khảo quý giá phục vụ công tác giảng dạy, hướng dẫn học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu về lịch sử của quê hương Sơn La.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh, tổ 7, phường Tô Hiệu, Thành phố, cho biết: Thông qua bản tin, tôi được biết đến nhiều chứng tích, câu chuyện lịch sử tại Sơn La mà trước đây tôi chưa hề biết đến. Ví dụ như cây cầu đá cổ ở Chiềng An đã tồn tại 125 năm nay, cây cầu còn mang ý nghĩa đánh dấu thời điểm thực dân Pháp bắt đầu đặt chân xâm lược Sơn La.

           

Bản tin "Sơn La - Xưa và Nay" đóng góp không nhỏ trong việc bổ sung, làm rõ những vấn đề về lịch sử Sơn La nói chung, những sự kiện, nhân vật nói riêng, giúp độc giả hiểu rõ hơn về lịch sử quê hương mình. Từ đó, quá khứ được tái hiện một cách sống động qua những bài viết, giúp người dân thêm tự hào về truyền thống, lịch sử vùng đất mình đang sống.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới