Tháo gỡ khó khăn công tác y tế học đường

Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức các đơn vị trường học, nhân lực theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc không có nhân viên y tế đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trong công tác y tế học đường.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Muôn, huyện Mường La khám sức khỏe định kỳ cho học sinh. 

Sau khi sắp xếp, đội ngũ nhân viên y tế học đường điều chuyển về công tác tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, hoặc bị cắt hợp đồng lao động đã gây ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe học sinh trong trường học. Toàn tỉnh hiện nay chỉ có 13 nhân viên y tế  được bố trí biên chế tại Trường PTDT nội trú tỉnh và 11 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS-THPT huyện; các trường còn lại là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm.

Công tác y tế học đường tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, do giáo viên kiêm nhiệm không có chuyên môn về y tế, ảnh hưởng tới công tác sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh, nhất là các trường hợp học sinh bị tai nạn thương tích. Việc theo dõi sức khỏe định kỳ, dự phòng nguy cơ lây nhiễm và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế.

Tại vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, các điểm trường xa trung tâm y tế xã, công tác phối hợp triển khai y tế học đường còn chưa kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị trường học vẫn duy trì các điều kiện về phòng y tế, vật tư y tế, thuốc thiết yếu, nhưng việc khai thác sử dụng rất hạn chế do không có nhân viên y tế.

Năm học 2023-2024, Trường tiểu học và THCS Hua Trai, huyện Mường La có 1.030 học sinh, trong đó có 416 em ở bán trú. 4 năm trở lại đây, nhà trường không có nhân viên y tế mà giao cho một lao động của nhà trường kiêm nhiệm. Mặc dù nhân viên kiêm nhiệm đã được tham gia tập huấn về y tế học đường, nhưng chủ yếu là làm hồ sơ y tế, còn việc cấp phát thuốc, chăm sóc sức khỏe học sinh thì không có chuyên môn nên khi học sinh gặp vấn đề về các bệnh lý thông thường thì họ không xử lý được phải đưa qua trạm y tế.

Tại huyện Sông Mã có 53 trường học trực thuộc và 4 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, gồm 1.464 nhóm lớp, với 45.076 học sinh. Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với Trung tâm Y tế huyện triển khai hoạt động y tế học đường.

Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã, cho biết: Dù đã có sự phối hợp, song ở những trường có số học sinh đông, giao thông đi lại khó khăn, rất nhiều tình huống bất lợi xảy ra, nhất là xảy ra các vấn đề về tai nạn thương tích, nếu không đến cơ sở y tế kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Rất mong các cấp, các ngành có giải pháp bố trí nhân viên y tế có chuyên môn thường trực tại trường học.

Trước tình trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác y tế học đường; thực hiện Chương trình “Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025”. Xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai công tác y tế trong trường học. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các đơn vị y tế tại các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và các bệnh không lây nhiễm; theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho học sinh; vận động phụ huynh tham gia bảo hiểm y tế cho con em.

Ông Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Trong năm học này, ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện các quy định y tế học đường theo các văn bản pháp luật hiện hành. Trong đó, rà soát, sắp xếp đội ngũ nhân viên y tế trường học mầm non và phổ thông, gắn với y tế cơ sở; ưu tiên bố trí nhân viên y tế chuyên trách đối với cơ sở giáo dục chuyên biệt, cơ sở giáo dục phổ thông có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục ở xa trạm y tế cấp xã, cơ sở khám, chữa bệnh.

Cũng theo ông Quân, các cơ sở giáo dục không sắp xếp, bố trí được nhân viên y tế trường học thì thực hiện phân công cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm làm đầu mối công tác y tế trường học. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập chủ động bố trí nhân viên chuyên trách y tế hoặc ký hợp đồng với cơ sở y tế để triển khai. Cơ sở giáo dục và trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã có cơ chế phối hợp, phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học. Nhân viên y tế trong trường học và y tế cơ sở được bồi dưỡng về y tế học đường phù hợp với từng đối tượng chuyên trách và kiêm nhiệm.

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học phối hợp với các đơn vị y tế địa phương kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học. Kiểm tra, đánh giá, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thuốc thiết yếu, vật tư y tế đảm bảo theo quy định về công tác y tế trường học trong các cơ sở giáo dục. Đối với các trường học nấu ăn bán trú thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp tục triển khai mô hình “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường các hoạt động vận động thể lực phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương”.

Bên cạnh đó, các trường học tăng cường hoạt động giáo dục thể chất, thể thao, giúp các em rèn luyện sức khỏe. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về việc phòng, tránh tai nạn thương tích, phòng, tránh đuối nước; xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường học đường.

Cùng với những nỗ lực của các cơ sở giáo dục trong việc nâng cao chất lượng y tế học đường, các cấp, các ngành quan tâm bố trí nhân viên y tế có chuyên môn tại các trường học, nhất là những trường có số lượng học sinh đông và trường bán trú. Đầu tư tủ thuốc, những dụng cụ y tế cần thiết phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, đảm bảo học sinh được chăm sóc, bảo vệ trong nhà trường.

Bài, ảnh: Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới