Tăng cường phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết thường bùng phát vào mùa mưa, ở cả người lớn và trẻ em; gây sốt cao, mệt mỏi, đau nhức xương, rối loạn đông máu, xuất huyết, giảm huyết áp đột ngột. Một số trường hợp có thể bị chuyển biến nặng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Giọng nữ
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn phun khử khuẩn tại khu vực thị trấn Hát Lót.

Ông Lê Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông tin: Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh; lựa chọn huyện Mai Sơn và Sông Mã để giám sát côn trùng truyền nhiễm. Qua giám sát, tại tổ dân phố 1, thị trấn Sông Mã, ghi nhận có bọ gậy và muỗi trưởng thành lây truyền sốt xuất huyết Dengue. Còn tại 5 tiểu khu của thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, cũng ghi nhận có véc-tơ lây truyền bệnh sốt xuất huyết, trong đó, các chỉ số đánh giá nguy cơ bùng phát dịch tập trung tại các tiểu khu 4, 19, 20 ở mức cao. Sau khi có kết quả điều tra, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng toàn bộ khu vực có nguy cơ.

Bệnh sốt xuất huyết không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi rút, sau đó truyền vi rút sang người lành qua vết đốt. Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn khôi phục. Qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, năm 2017, tỉnh ta ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết đầu tiên tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn. Kể từ đó đến nay, ổ dịch tại huyện Mai Sơn có xu hướng hoạt động theo chu kỳ (3 năm/lần). Năm 2024, ổ dịch tiếp tục bùng phát, với tâm dịch tại các tiểu khu thuộc thị trấn Hát Lót. Dịch khởi phát ngày 5/7, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại tiểu khu 4. Đến ngày 15/8, huyện ghi nhận 141 ca, trong đó, 3 ca đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; 1 ca điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Cuộc Sống; 59 ca điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Sơn; 78 trường hợp đã điều trị khỏi.

Bà Nguyễn Minh Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn, cho hay; Đơn vị đã thành lập các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm sốt xuất huyết khi cần thiết. Chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực, sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác tiêm bù, tiêm vét các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng.

Bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Sơn, cho biết: Bệnh viện đã chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị y tế, các thiết bị phòng hộ, phòng chống dịch, đáp ứng theo từng mức độ của các tình huống dịch có thể xảy ra. Đồng thời, tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức phòng, chống sốt xuất huyết và phun thuốc diệt muỗi toàn bệnh viện. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, của tỉnh trao đổi thông tin về chuyên môn cũng như yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết để phục vụ tốt nhất cho công tác điều trị bệnh.

Ông Trần Phương, tiểu khu 11, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Qua hệ thống loa truyền thanh của tiểu khu, gia đình cũng nắm được diễn biến của dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thời gian qua. Mấy hôm nay, gia đình đã chủ động cắt tỉa cây cối xung quanh nhà và lật úp các dụng cụ chứa nước để không phát sinh muỗi gây bệnh. Đến nay, gia đình tôi chưa ai bị mắc bệnh sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng đã tích cực thực hiện các hoạt động ra quân tổng vệ sinh môi trường, dọn rác thải, vệ sinh đường ngõ xóm. Tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm nước tồn đọng, thu gom các dụng cụ lắng nước có chứa lăng quăng; phun thuốc diệt côn trùng tại những nơi có nguy cơ cao, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh trên địa bàn. Ông Quàng Văn Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu, chia sẻ: Cách phòng dịch sốt xuất huyết Dengue tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy; loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thau rửa sạch các dụng cụ, thu gom, hủy các vật phế thải trong nhà và xung quanh nhà; mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn để tránh muỗi đốt...

Với phương châm “Không có bọ gậy là không có sốt xuất huyết”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố thành lập các đoàn công tác phối hợp với các trạm y tế triển khai các hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; đẩy mạnh chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy 2 lần/tuần. Tổ chức giám sát vector, bắt côn trùng tại các điểm có nguy cơ; phun hóa chất khử trùng môi trường ở các địa bàn bị ngập lụt.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị và mạng lưới cộng tác viên về giám sát, chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết. Khuyến cáo người dân khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và theo dõi, nghỉ ngơi, uống nhiều nước và vitamin. Với người bệnh bị sốt xuất huyết Dengue nặng, nhất thiết phải vào bệnh viện điều trị theo phác đồ, tuyệt đối không được chủ quan tự điều trị ở nhà.

Để phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, các địa phương, mỗi cá nhân, hộ gia đình cần nêu cao ý thức trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc bệnh và lây lan, góp phần nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bài, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới