Về xã Đá Đỏ

Sau nhiều dịp khất lần, giữa tháng 8 này, tôi mới có dịp trở lại xã Đá Đỏ, xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn nằm dọc sông Đà của huyện Phù Yên, giáp với tỉnh Hòa Bình. Men theo quốc lộ 43 đến bến phà Vạn Yên rẽ phải, đi chừng 2 tiếng mới đến được với xã Đá Đỏ - nơi có nhiều câu chuyện để ghi mà không phải xã nào cũng có.

 

Cán bộ xã Đá Đỏ tuyên truyền về công tác PCMT tại bản Bông Lau.

Đường về xã Đá Đỏ có nhiều tuyến, như: Phía Tây giáp xã Song Pe (Bắc Yên), xã Sập Xa (Phù Yên); phía Bắc giáp xã Kim Bon và phía  Nam có dòng Đà Giang chạy từ Tây sang Đông giáp với xã Bắc Phong (Phù Yên). Tuy nhiên, thời điểm này những cung đường trên đều không thể đi được bởi đường rất xấu, có đoạn lại bị sạt lở. Để đến Đá Đỏ thuận tiện nhất trong những ngày tháng ngâu này, chúng tôi đã lựa chọn chặng đường trên 60 km tính từ trung tâm huyện, qua các xã Gia Phù, Tường Hạ, Tường Thượng, Tường Tiến, Tân Phong, Bắc Phong. Suốt hơn 3 tiếng đồng hồ, từ huyện vượt những con dốc cua tay áo, những đoạn đường sạt lở, xóc nảy người hay qua những con suối sâu quá đầu gối vắt ngang đường, chúng tôi được đồng chí Hoàng Ngọc Lan, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo 2118 huyện Phù Yên giới thiệu khá chi tiết về Đá Đỏ. Trong đó, ấn tượng nhất là thông tin xã không có ma túy hay các tệ nạn xã hội khác...

Đúng 10 giờ 15 phút, đoàn mới có mặt tại trụ sở UBND xã - phòng làm việc của UBND xã là những gian nhà lắp ghép lợp tôn chống nóng. Ngay khi bước xuống xe, cảm nhận rõ ngay cái nóng đặc trưng của vùng sông nước và chỉ sau đó một lúc ai cũng đẫm mồ hôi. Lúc này, khu vực trụ sở xã tập trung rất đông người, cao tuổi có, nhỏ tuổi có và nam, nữ cũng đủ cả. Hỏi ra được biết hôm nay xã tổ chức Đại hội Hội Khuyến học xã. Cũng bởi vậy, trong buổi làm việc với lãnh đạo xã, đồng chí Đinh Bình Năng, Bí thư Đảng ủy xã, khoe với chúng tôi: Phong trào khuyến học của xã được huyện, tỉnh đánh giá rất cao. Trong xã có 2 dòng họ Mùi và Đinh được đánh giá là những dòng họ hiếu học, có nhiều con em đã và đang theo học các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Sau khi học xong đều trở về tỉnh, huyện và xã công tác. Có những người còn giữ vị trí quan trọng tại các ban, ngành của tỉnh và huyện. Con em trong xã đều có ý thức học tập, không có tình trạng bỏ học giữa chừng. Cùng với đó, phong trào xây dựng bản văn hóa cũng được người dân ủng hộ cao. Đến nay, xã đã có 100% bản có đội văn nghệ, đội bóng đá; 100% bản văn hóa, trong đó có 5 bản văn hóa cấp huyện. Tại các bản đã thành lập 34 nhóm liên gia tự quản, duy trì tốt 9 tổ an ninh, 9 tổ hòa giải tại 9 bản. Do vậy, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã liên tục được giữ vững. Hàng năm, từ Đảng bộ xã đến các chi bộ trực thuộc đều đạt trong sạch vững mạnh; công tác tổ chức xây dựng Đảng luôn được quan tâm và phát triển, vai trò lãnh đạo của Đảng được phát huy; hệ thống chính trị được giữ vững ổn định. Từ những thành tích đó, xã đã được Bộ Công an tặng Bằng khen và công nhận đơn vị thi đua xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Mùa này, mức nước của dòng sông Đà mới chỉ ngập qua các bãi bồi, tàu thuyền đi lại chưa thuận tiện. Do vậy, việc đi lại bằng thuyền của người dân vốn dĩ đã quen với sông nước có phần ít hơn. Tuyến đường để ra huyện hay ra ngoài xã mỗi khi có việc chủ yếu là tuyến đường Đá Đỏ-Vạn Yên. Chỉ trong một thời gian nữa thôi, đoạn còn lại từ bản Đá Phổ thuộc xã Bắc Phong dẫn vào xã Đá Đỏ sẽ đi được 4 mùa. Bởi hiện tại, với sự quan tâm của tỉnh, tuyến đường đất lẫn đá dẫn vào xã, nổi tiếng một thời là khó đi, đang như một đại công trường với các loại máy ủi, máy xúc và máy bắn đá đang phá núi mở rộng mặt đường để trải nhựa... Và điều mà nhiều cơ sở vẫn đang lo ngại hay gặp nhiều khó khăn là công tác giải phóng mặt bằng, thì đối với Đá Đỏ lại không phải là việc khó. Chỉ mấy cuộc họp xã, họp bản và họp dân cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã đã thống nhất được chủ trương khi 100% số hộ tại 6 bản bị ảnh hưởng đều sẵn sàng cùng Nhà nước mở đường. Đồng chí Đinh Hoài Sơn, Chủ tịch UBND xã Đá Đỏ, cho biết: Từ trước đến nay, các chủ trương, đường lối hay chính sách về các lĩnh vực của Đảng, Nhà nước đến với xã đều được nhân dân ủng hộ rất cao. Nhờ vậy, sau nhiều năm với những định hướng và chính sách đúng đắn trong phát triển KT-XH của Đảng, Nhà nước được cán bộ và nhân dân trong xã thực hiện rất nghiêm túc, kinh tế của xã đã có nhiều khởi sắc. Hàng năm, UBND xã luôn bám sát và quán triệt, cụ thể hóa được nghị quyết của Đảng để xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra. Hiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 700.000 đồng/tháng, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 39%. Trong xã có trường học từ bậc mầm non đến THCS; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia...

Còn nhớ năm 2009, nơi đây vẫn còn trên 60% số hộ nghèo. Khi đó, các lãnh đạo xã đã chia sẻ: Hộ nghèo vẫn còn nhiều, đường đi lại thì khó khăn, ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế, đây là những trở ngại để xã phát triển... Lần trở lại này, số hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể, đường về xã đã và đang được mở rộng để đi được 4 mùa. Và cũng theo lời cán bộ xã nơi đây: Đó sẽ chính là con đường no ấm, con đường giúp người dân thông thương hàng hóa thay vì phụ thuộc vào đường thủy. Việc có đường đi được 4 mùa cộng với truyền thống đoàn kết của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, Đá Đỏ sẽ tiếp tục khởi sắc... 

Ngọc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới