Nông dân Sơn La phát triển nông nghiệp bền vững gắn với chuyển đổi số

Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất hàng hóa, tạo sản lượng lớn, chất lượng cao, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã trong tỉnh đang phát triển nông nghiệp bền vững gắn với chuyển đổi số, thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất, cách thức tiêu thụ nông sản, phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Sau thời gian đi làm công nhân tại khu công nghiệp, năm 2020, vợ chồng anh chị Hà Văn Sáng, Quàng Thị Vy trở về quê hương tại bản Nguồn, xã Mường Lang, huyện Phù Yên. Thời gian làm ăn xa quê, anh chị nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của người tiêu dùng rất lớn. Từ đó, anh chị đầu tư phát triển mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng theo hướng sản xuất sản phẩm sạch.

Nhân dân xã Tân Lang, huyện Phù Yên trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả.   Ảnh: Khải Hoàn

Nói về mô hình VAC, anh Sáng cho biết: Năm 2021, tôi phát triển trang trại quy mô 4 ha, trồng nhiều loại cây rau màu, cây ăn quả. Tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo đảm chất lượng. Mỗi năm, sản xuất trên 200 tấn rau, củ, quả; nuôi hơn 50 con dê, gần 1.000 con gà thả vườn...

Làm ra sản phẩm chất lượng, anh nghĩ đến việc mở rộng thị trường tiêu thụ. Khi đó, Hội Nông dân xã đang khuyến khích hội viên tham gia chuyển đổi trong nông nghiệp, tiêu thụ nông nghiệp, anh chị đã được tập huấn, học hỏi về các nền tảng mạng xã hội. Bắt tay vào làm, Hội đã phân công cán bộ đồng hành, giúp anh chị xây dựng nội dung video về sản xuất nông, lâm nghiệp trên 2 kênh Youtube. Nhờ nội dung phong phú, đa dạng từ trồng trọt, đến chăn nuôi và các Vlog ghi lại cuộc sống thôn quê, đến nay, hai kênh Youtube thu hút 140 nghìn lượt đăng ký.

Chị Quàng Thị Vy nói: Tận dụng số người theo dõi đã có từ kênh “Rừng và Tôi”, chúng tôi phát triển thêm kênh “Thảo Vy Building Life”, ghi lại hình ảnh quá trình xây dựng trang trại từ ngày đầu tiên cho đến nay, cùng với quá trình chăm sóc, cây trồng, vật nuôi theo quy trình sản xuất an toàn. Đồng thời, hướng sản xuất thêm hoạt động trải nghiệm, thu hút khán giả ghé thăm trang trại. Nhờ vậy, sản phẩm của trang trại tiêu thụ thuận lợi.

Cũng tiên phong chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, ngày 1/7/2022, anh Nguyễn Đình Huy, bản Là Ngà 2, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng mô hình “Sản xuất rau, quả ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh 4.0”, quy mô 6.000 m². Các thiết bị được hỗ trợ, gồm: Hệ thống điều khiển trung tâm; kênh châm phân rời; phần mềm IoT, điều khiển, quản lý và lưu trữ dữ liệu; phần mềm quan trắc, phân tích và thu thập dữ liệu, kết nối với các thiết bị cảm biết môi trường... Dữ liệu ghi lại, giúp hộ nông dân sử dụng điều chỉnh các yếu tố độ ẩm, độ PH và dinh dưỡng cho cây trồng.

Anh Huy chia sẻ: Được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống châm phân tự động Next Farm Fertikit 4G đã giúp gia đình tôi rút ngắn việc tưới cây, pha phân và bón cho cây xuống còn 50-60 phút thay vì 3 tiếng như trước đây. Nhờ vậy, có nhiều thời gian chăm sóc cây hơn trước, nên năng suất các loại cây trồng tăng 15-20%.

Tiếp cận chuyển đổi số

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số góp phần giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu. Đồng thời, nâng cao năng suất lao động thông qua thiết bị điều khiển từ xa trong các khâu sản xuất; giúp người nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử.

Bàn giao hệ thống Next Farm Fertikit 4G tại bản Là Ngà 2, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu.          Ảnh: PV

Chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong toàn bộ hoạt động. Do vậy, cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng hiện đại và thông minh rất cần được phát huy, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Hiện nay, tỉnh Sơn La là vựa trái cây lớn nhất miền Bắc, với tổng diện tích cây ăn quả các loại năm 2023 ước đạt 84.784 ha, sản lượng quả thu hoạch dự kiến đạt 451.779 tấn các loại. Đã có 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; 110 sản phẩm OCOP; được công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát huy những ưu điểm và điều kiện thuận lợi, từ năm 2020 đến nay, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Thời gian qua, Hội tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao trình độ, kỹ năng và khả năng ứng dụng các công nghệ số vào một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp cho cán bộ, hội viên nông dân. Đến nay, Hội tổ chức gần 100 đợt tập huấn kiến thức, kỹ năng cho hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân các cấp. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nông dân từng bước tiếp cận, làm quen với các sàn thương mại điện tử; chào bán và kết nối vận chuyển nông sản đến với người tiêu dùng.

Ông Lê Đức Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Yên, cho hay: Phù Yên có khoảng 1.350 hội viên tham gia sàn thương mại điện tử, trong đó, 1.309 tài khoản mua hàng và 20 tài khoản bán hàng mở ra nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Chúng tôi đã đề nghị các cấp tổ chức thêm các đợt tập huấn, hướng dẫn hội viên nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số vào tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Những tín hiệu vui

Với sự đồng hành của Hội Nông dân tỉnh, hội viên nông dân đã nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng những nền tảng mạng xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, với xu thế video ngắn đang được người sử dụng ưa chuộng trên các nền tảng như Tiktok, Youtube hay Facebook. Nội dung được các chủ kênh xây dựng chủ yếu liên quan đến quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, từ đó, thu hút người xem và sẵn sàng kết nối tiêu thụ nông sản.

Nông dân Sơn La giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Portmart.  Ảnh: PV

Chị Bùi Như Quỳnh, bản Kim Sơn, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, chia sẻ: Gia đình tôi có trên 2 ha trồng dâu tây và 1,5 ha trồng mận hậu. Sau khi được Hội Nông dân, Bưu điện tỉnh cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ năng Livestream bán hàng trên mạng xã hội, như: Zalo, Facebook... tôi thấy sản phẩm mận và dâu tây của gia đình nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng. Sau đó, tôi cung cấp thông tin về giá cả, số lượng và phân loại sản phẩm cho khách hàng. Với cách làm này, trong 3 năm qua, tôi bán được trên 10 tấn nông sản, thu nhập trên 300 triệu đồng. Vụ mận năm nay, tôi nhận được một số đơn đặt hàng từ các bạn hàng truyền thống và khách hàng mới, nên việc tiêu thụ quả mận hậu khá thuận lợi.

Theo số liệu thống kê, sau hơn 2 năm triển khai, toàn tỉnh có trên 19.500 hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh còn hỗ trợ các hộ dân đưa 413 sản phẩm lên sàn Postmart.vn và Voso.vn; hỗ trợ 26 hợp tác xã đưa 108 sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương lên sàn Postmart.vn;  xây dựng chợ 4.0 gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với những cách làm cụ thể, việc chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được nông dân Sơn La tiếp nhận, góp phần tích cực tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong thời gian tới, xây dựng ngành nông nghiệp Sơn La phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới