Khám phá Xuân Nha Kỳ 1: Hành trình khám phá thác Suối Boong

“Vẻ đẹp của Xuân Nha (Vân Hồ) không lộ bên ngoài như mọi điểm du lịch thường thấy mà tiềm ẩn trong những cánh rừng bạt ngàn, những núi đá sừng sững, chỉ khi du khách cất công khám phá mới được chiêm ngưỡng, cảm nhận”. Đó là nhận xét của những người đã từng đặt chân đến Xuân Nha, mảnh đất của thác nước tuyệt đẹp và những hang động kỳ thú.

Một đoạn thác Suối Boong.

Được nghe nhiều người dân địa phương kể về thác Suối Boong, chúng tôi quyết định tìm đến con thác này trong hành trình khám phá vẻ đẹp của mảnh đất Xuân Nha. Anh Vì Văn Đức, người bản Thín tình nguyện dẫn chúng tôi đi khám phá con thác. Từ bản Thín, chúng tôi đi xe máy theo con đường đất khá rộng nhưng dốc, dài gần 2 km, vừa đặt chân đến bìa rừng đã nghe tiếng thác đổ ầm ầm. Qua đó chỉ gần trăm mét, dòng nước tuôn chảy từ trên cao, đổ ra con con suối mà người dân vẫn gọi là suối Boong, ngọn thác khuất trong cánh rừng rậm rạp tỏa ra luồng không khí mát lạnh bao quanh.

Anh bạn đường của chúng tôi là người thông thuộc địa hình. Đây là nơi gắn liền với cuộc sống của anh từ ngày còn nhỏ, anh kể, đã không biết bao nhiêu lần anh trèo lên đỉnh thác, men theo dòng chảy để tìm hái cây thuốc nam, nên anh hiểu, khi nào là thời điểm thích hợp nhất để đến được với thác. Anh Đức kể: Tên thác bây giờ thực chất là được đặt tên theo con suối Boong chảy qua bản Thín. Con thác này lớn, chia thành nhiều tầng, ở tầng cao nhất, khi thác nước đổ xuống tạo thành màn sương trắng xóa, nhìn từ xa trong như mây mù nên người dân nơi đây vẫn thường gọi là “Tát Moóc” nghĩa là “thác mây”.

Từ chân thác, chúng tôi bám theo nhau men theo bờ suối leo lên bậc thác đầu tiên. Đang mùa khô, nước cạn nên chinh phục ngọn thác không phải việc quá khó khăn. Bậc đầu tiên chỉ cao hơn 10m, rộng hơn 20m, dòng nước trong vắt, mát lạnh, chảy thành dòng, nhiều mỏm đá nhô cao, mọc đầy những bụi cỏ, hai bên bờ là những khóm hoa màu tim tím tuyệt đẹp. Bậc thứ hai cao hơn, nước chảy mạnh, dòng chảy giữa hai bậc thác kéo dài khoảng hơn 40m. Càng leo lên cao, độ dốc càng lớn và khó đi hơn, chúng tôi men theo con đường mòn cạnh dòng thác đi lên, đôi lúc phải lội qua bên kia dòng nước, nhảy qua những mỏm đá hay đi trên khúc cây lớn chắn ngang. Bậc thác thứ ba hiện lên trước mắt cao gần trăm mét, dựng thẳng đứng trước sự ngỡ ngàng của mọi người trong đoàn. Lúc này, ai cũng đã thấm mệt nhưng niềm vui khi đang gần tới đỉnh thác khiến chúng tôi quên cả mệt mỏi, tiếp tục cuộc hành trình. Leo qua bậc thác thứ ba không dễ dàng gì, độ dốc lớn, ven rừng rậm rạm, con đường mòn dẫn tới đây khó đi hơn, có lẽ nhiều người chinh phục thác mây chỉ dừng lại đến bậc này. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng đặt chân đến bậc thứ 4, bậc thác cao nhất mà người dân vẫn gọi là “Tát Moóc”. Niềm vui như vỡ òa bởi cảnh tượng trước mắt, thác dựng đứng, cao hơn 100m, nước đổ tung bọt trắng xóa, át đi tiếng gọi nhau của mọi người trong đoàn.

Chị Hà Thị Phụng, bản Nà Hiềng, đi cùng đoàn chúng tôi cho biết: Để nhìn rõ “Tát Moóc” phải đứng ở đất Nà Hiềng nhìn sang. Con thác này gắn liền với tuổi thơ của chị và những người dân nơi đây là những mùa mưa về, nước đổ ào ào, từ xa nhìn lại chỉ nghe tiếng thác đổ và một vùng mây mù đặc sánh trên đỉnh núi. Từng bậc thác nối nhau ẩn hiện giữa vùng núi đá cao vút, qua mỗi bậc, nước càng chảy mạnh, bào mòn những mỏm đá vôi trơn nhẵn, luồn lách qua từng khe đá, chảy xuống thung lũng bản Thín thành dòng suối Boong rồi đổ về suối Quanh, con suối lớn nhất của Xuân Nha.

Những người già sống lâu năm tại Xuân Nha từng băng qua rừng, qua núi tìm về nơi bắt nguồn của con thác bảo rằng: dòng nước bắt nguồn từ huyện Mộc Châu, theo con suối Làn chảy qua bản Nà An của xã Xuân Nha, đến đỉnh núi đá bản Thín thì đổ dốc thành thác suối Boong. Thác có độ dốc cao, bao quanh là rừng cây rậm rạp, đứng ở thác nước nhìn ra khu đối diện là những vách đá vôi dựng đứng, sừng sững giữa những cánh đồng nhỏ chạy dọc theo thung lũng, khung cảnh núi non hùng vĩ. 

 (còn nữa)

Tặng Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới