Đổi thay ở các xã vùng cao, biên giới

Đề án phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng cao, biên giới giai đoạn 2020-2025 của huyện Sông Mã sau 4 năm triển khai, với nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung ưu tiên nguồn lực thúc đẩy phát triển đã và đang từng bước nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Giọng nam

Tìm lời giải cho "bài toán" phát triển kinh tế

Sông Mã có 8 xã vùng cao gồm: Huổi Một, Chiềng En, Chiềng Phung, Nậm Ty, Nậm Mằn, Bó Sinh, Đứa Mòn, Pú Bẩu và 4 xã biên giới là Chiềng Khương, Mường Sai, Mường Cai, Mường Hung, với 177 bản. Hầu hết các xã này đều có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân còn khó khăn, đặc biệt là đường giao thông chưa đồng bộ. 

Ở xã Pú Bẩu có 7 bản, chủ yếu là dân tộc Mông và Thái. Là xã thuần nông hầu hết bà con thu nhập từ cây ngô, sắn; mặc dù xã đã phát triển được một số diện tích cây ăn quả nhưng do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên chất lượng thấp, khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chăn nuôi còn mang tính chất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp; công tác phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho đàn vật nuôi còn hạn chế. Thu nhập bình quân chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm. Trước năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã Pú Bẩu chiếm trên 55%.

Cán bộ xã Mường Sai, huyện Sông Mã tuyên truyền nhân dân chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. 

Còn tại xã biên giới Mường Hung có 25 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn; các bản vùng cao, cách xa trung tâm xã, đường giao thông chưa được cứng hóa nên đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa các bản vùng cao thường bị cô lập nhiều ngày. Việc triển khai xây dựng công trình giao thông đến các bản cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đời sống bà con còn khó khăn. Không có đường giao thông cứng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại, giao thương hàng hóa, hạn chế việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đây chỉ là 2 trong số 12 xã vùng cao, biên giới của huyện đều nằm trong những điều kiện hết sức khó khăn. Trước thực tế đó, Đảng bộ huyện Sông Mã đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU, ngày 14/12/2020 về lãnh đạo thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng cao, biên giới giai đoạn 2020-2025 với 14 mục tiêu cụ thể ở các lĩnh vực.

Ưu tiên nguồn lực, thúc đẩy sản xuất

Ông Thào A Sử, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Để Nghị quyết số 09 đi vào thực tiễn, Thường trực Huyện ủy đã tăng cường giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết đối với đảng ủy, các đồng chí bí thư, phó bí thư đảng ủy các xã vùng cao, biên giới; chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các mục tiêu; nắm bắt và kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bám sát nội dung nghị quyết, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã rà soát, lựa chọn và xây dựng phương án triển khai nghị quyết phù hợp với thực tiễn tại từng địa phương. Trong lĩnh vực kinh tế, chỉ đạo các xã tập trung thành lập mới HTX, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả và chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn được hỗ trợ, kết hợp huy động nguồn lực xóa hội hóa để đầu tư hạ tầng nông thôn.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội, tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tăng tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; làm tốt công tác quốc phòng, an ninh…

Mô hình trồng nhãn chín sớm của HTX Hưng Lộc, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã.

Nâng cao thu nhập cho nhân dân là yếu tố quan trọng, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, phòng ban chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo, tuyên truyền về áp dụng tiến bộ kỹ thuật theo hướng “cầm tay chỉ việc”; vận động nhân dân tham gia liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX và hộ dân; xây dựng các mô hình nông nghiệp điển hình để nhân rộng.

Từ năm 2020 đến nay, đã tổ chức hơn 1.500 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền cho nhân dân các xã vùng cao, biên giới về trồng trọt và chăn nuôi; trồng mới gần 900 ha cây ăn quả, nâng tổng số cây ăn quả lên gần 5.000 ha; duy trì các mô hình kinh tế mới, như: Sản xuất lúa hữu cơ, bảo tồn giống lúa địa phương, mô hình nuôi gia cầm; mở rộng diện tích trồng cây cà phê, cây mắc ca; thành lập mới 12 HTX tại các xã vùng cao, biên giới. 

Trong 12 xã vùng cao, biên giới, Chiềng Khương là xã tiêu biểu về phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là trồng cây ăn quả. Xã đang duy trì, chăm sóc hơn 900 ha cây ăn quả. Trong đó, khoảng 30% diện tích lắp đặt hệ thống tưới nước hiện đại, hơn 40 ha được cấp mã số vùng trồng. Xã có 6 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Cà Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương, cho biết: Nhờ phát triển sản xuất hiệu quả đã nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất tinh thần người dân, giúp xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn. Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo xã chỉ còn 2,52%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,92%; thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người/năm. 

Nhân dân xã Chiềng Phung, huyện Sông Mã trồng hoa dọc tuyến đường nội bản. 

Bên cạnh đó, huyện đã lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là xây dựng các công trình thiết yếu, như: Đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, hệ thống cung cấp điện và cải tạo nguồn nước... Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã đầu tư mới 71 công trình và duy tu, bảo dưỡng 46 công trình cộng đồng, với tổng kinh phí 83,8 tỷ đồng. 

Các hoạt động văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng được quan tâm triển khai đồng bộ. 4 năm qua, chất lượng giáo dục - đào tạo ở các xã tiếp tục được nâng cao, đã có 7 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Các xã đã hỗ trợ xóa 859 nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo các xã vùng cao, biên giới xây dựng các phương án, kế hoạch, triển khai lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội, phòng chống tội phạm ma túy; làm tốt công tác bảo vệ đường biên cột mốc giới, bảo vệ chủ quyền an ninh lãnh thổ quốc gia. 

Tuyến đường vào bản Chiềng Vàng, xã Chiềng Phung, huyện Sông Mã.

 Diện mạo mới các xã vùng cao, biên giới

Xã vùng cao Chiềng Phung của huyện Sông Mã đang từng ngày "thay da, đổi thịt" khi cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư đồng bộ, khang trang hơn. Ông Quàng Văn Minh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ năm 2023 đến nay, xã được đầu tư xây dựng 15 công trình, gồm: Cầu treo, cầu cứng, nhà văn hóa bản, cổng chào bản, đường giao thông nông thôn. Riêng bản Chiềng Vàng đã vận động nhân dân nâng cấp, mở mới 1,5 km đường nội đồng. Hệ thống đường giao thông được xây dựng giúp bà con trong xã đi lại thuận tiện hơn, tạo điều kiện để nhân dân vận chuyển nông sản, giao thương hàng hóa.

Đến với xã nông thôn mới Mường Hung, đi dọc hai bên đường là những ngôi nhà cao tầng kiên cố được gắn biển “Nhà sạch - vườn đẹp”, trên các triền đồi là những vườn cây ăn quả xanh mướt đang mang lại tiền tỷ mỗi năm cho các hộ nông dân. Ông Cầm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Mường Hung, phấn khởi: Nhờ triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/HU của Huyện ủy gắn với thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đã giúp diện mạo xã ngày càng khởi sắc. Đến nay, 100% đường xã đi được 4 mùa; 80% đường bản, liên bản cứng hóa; 98% số hộ được sử dụng điện an toàn. Các trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng đạt chuẩn. Xã đã hoàn thành xóa nhà tạm. Thu nhập bình quân đạt từ 45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,17%.

Trạm y tế xã Mường Cai, huyện Sông Mã được xây dựng khang trang.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm và nỗ lực vươn lên thoát nghèo của nhân dân, các xã vùng cao, biên giới của huyện Sông Mã đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, đã có 3/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Chiềng Khương, Mường Sai, Mường Hung; 9 xã còn lại đạt từ 10-14 tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các xã giảm xuống còn 18%, cận nghèo giảm còn 16%; 99,1% số hộ dân được sử dụng điện; 100% hộ gia đình được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… 

Phát huy những kết quả đã đạt được, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã vùng cao, biên giới của huyện Sông Mã càng thêm quyết tâm, chung sức, đồng lòng thi đua lao động, sản xuất, xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, phát triển.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đọng đầy “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”

    Đọng đầy “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”

    Văn hóa - Xã hội -
    Thời khắc trước thềm năm mới, nhìn lại năm 2024, Sơn La cùng cả nước đạt được những kết quả ấn tượng, toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ sức mạnh khối đại đoàn kết, đọng đầy “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, vượt qua mọi thách thức, khó khăn.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 28/1/2025

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 28/1/2025

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa tăng cường, sau ổn định dần. Thời tiết: Nhiều mây, không mưa. Trời rét đậm, rét hại. Vùng núi cao thuộc các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Mai Sơn và thành phố Sơn La có khả năng xảy ra băng giá và sương muối. Trưa chiều có lúc giảm mây hửng nắng.
  • 'Xuất hiện băng giá tại xã Ngọc Chiến

    Xuất hiện băng giá tại xã Ngọc Chiến

    Bạn cần biết -
    Ngày 27/1 (28 Tết Nguyên đán), do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, kèm mưa rét, tại đỉnh núi bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La, với độ cao khoảng 2.700 m so với mực nước biển, khu vực giáp ranh huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, đã xảy ra băng giá.
  • 'Agribank Mai Sơn với công tác an sinh xã hội

    Agribank Mai Sơn với công tác an sinh xã hội

    Xã hội -
    Cùng với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh doanh, phục vụ tốt tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, Agribank Chi nhánh huyện Mai Sơn còn luôn đồng hành với chính quyền địa phương, chung tay với cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
  • 'Tình quân và dân nơi biên giới

    Tình quân và dân nơi biên giới

    Quốc Phòng - An Ninh -
    Yên Châu có chung đường biên giới với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào, nơi có Khu di tích cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài. Những năm qua, Ban Chỉ huy quân sự huyện Yên Châu thực hiện tốt đường lối đối ngoại quốc phòng, góp phần vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai dân tộc, Quân đội nhân dân hai nước Việt Nam - Lào nói chung, hai tỉnh Sơn La - Hủa Phăn nói riêng.
  • 'Địa chỉ kết nối những tấm lòng nhân ái

    Địa chỉ kết nối những tấm lòng nhân ái

    Xã hội -
    Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, Hội Chữ thập đỏ huyện Quỳnh Nhai đã phát huy vai trò cầu nối hoạt động nhân đạo, từ thiện trong cộng đồng bằng những việc làm ý nghĩa, góp phần chung tay cùng địa phương thực hiện an sinh xã hội.
  • 'Chung tay vì cuộc sống cộng đồng

    Chung tay vì cuộc sống cộng đồng

    Xã hội -
    Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Sơn La về phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụ trách giúp đỡ xã khu vực III trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026, ngành Ngân hàng tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, tặng quà hộ nghèo, ủng hộ đầu tư sửa chữa, xây dựng mới các công trình, khắc phục thiệt hại bão lũ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.