Thấu hiểu, đồng hành và chia sẻ với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương trong tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giúp những người lầm lỡ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tình trạng tái phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Chính sách nhân văn
Trước thực trạng, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương gặp nhiều khó khăn tìm kiếm việc làm, ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định số 22). Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023. Theo đó, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng để đào tạo nghề; vay tối đa 100 triệu đồng/người để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có lao động chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 2 tỷ đồng cho 1 dự án. Việc vay vốn được thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo.
Ngay sau khi Quyết định số 22 có hiệu lực, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; phối hợp các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện kế hoạch. Công an tỉnh định kỳ tổng hợp tình hình, xây dựng báo cáo Bộ Công an, UBND tỉnh; tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị trực tuyến và tập huấn về triển khai Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ cho các đơn vị công an, ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) toàn tỉnh.
Thượng tá Lường Khánh Toàn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh, cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho Công an tỉnh tổ chức hội nghị ký kết quy chế phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai thực hiện tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo công an các huyện, thành phố xây dựng quy chế phối hợp giữa công an cấp huyện, thành phố với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH xã hội cùng cấp để triển khai thực hiện.
Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương thường xuyên theo dõi, rà soát, lập danh sách người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn có đủ điều kiện vay vốn; làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn về chính sách về vay vốn theo Quyết định số 22; phối hợp thực hiện công tác theo dõi, giám sát, quản lý các trường hợp vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.
Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với công an các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tín dụng hằng năm và theo từng giai đoạn; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện kịp thời. Đồng thời, căn cứ danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, chủ động cung cấp thông tin cho Ngân hàng CSXH nơi cho vay phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác bình xét cho vay; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích; đảm bảo thu hồi nợ đúng thời gian quy định.
Trao cơ hội cho người từng lầm lỡ
Vừa qua, Đoàn công tác của Công an tỉnh, Ngân hàng CSXH tỉnh đi kiểm tra vốn vay theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ tại huyện Mộc Châu, địa phương đi đầu trong triển khai Quyết định 22 của tỉnh. Đoàn đã đến kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn này tại hộ gia đình anh Hà Văn Hưng, sinh năm 1977, bản Hương Sơn, xã Chiềng Sơn. Anh là một trong những người đầu tiên được thụ hưởng chính sách tín dụng cho người hoàn lương.
Chấp hành xong án phạt tù 11 năm về tội “mua bán trái phép chất ma túy”, năm 2023, anh Hưng được trở về với gia đình. Thấy mọi người trong xóm, nhà cửa ai cũng khang trang, cây ăn quả phát triển tốt cho thu nhập cao, nhìn gia đình mình khó khăn, nương chè thì cằn cỗi, anh Hưng không khỏi chạnh lòng. Nhưng mới ra tù, nên anh Hưng gặp rất nhiều khó khăn trong vay vốn phát triển kinh tế.
Anh Hưng cho hay: Đang lúc khó khăn thì có Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, thông qua tổ chức chính trị xã hội, tôi được vay số tiền 100 triệu đồng, cải tạo đồi chè, trồng xen cây ăn quả với tổng diện tích 3 ha. Sau gần 1 năm, diện tích chè, cây ăn quả phát triển tốt, dự kiến năm nay thu khoảng 3 tấn chè và thu hoạch cây ăn quả, trị giá hơn 50 triệu đồng, tạo điều kiện cho tôi có cơ hội vươn lên, làm lại cuộc đời, sống có ý nghĩa hơn.
Còn với anh Bùi Minh Hảo, ở tiểu khu 6, thị trấn Mộc Châu, do cải tạo tốt, được ra tù trước thời hạn, anh trở về địa phương cuối năm 2022. Ngày đầu khi mới tái hòa nhập cộng đồng, anh Hảo cũng tự ti, mặc cảm. Được gia đình và cấp ủy, chính quyền quan tâm, động viên, dần dần, anh xốc lại tinh thần và quyết tâm làm lại cuộc đời.
Anh Hảo chia sẻ: Khi trở về địa phương, thấy Mộc Châu đang trên đà phát triển du lịch, nhận được hỗ trợ nguồn vốn 100 triệu đồng theo Quyết định số 22, tôi đã huy động vốn và tận dụng đất của gia đình để mở mô hình homestay phục vụ khách du lịch và lưu trú, mở thêm dịch vụ tư vấn tour, thuê xe du lịch, trừ chi phí mỗi tháng thu nhập 40 triệu đồng, tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với số tiền 7-8 triệu đồng/tháng. Bây giờ cuộc sống tôi vui vẻ thoải mái, không áp lực. Tôi sẽ cố gắng nỗ lực phát triển kinh tế, có thêm thu nhập và giúp đỡ cho nhiều người khác.
Ông Phạm Việt Hải, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mộc Châu, cho biết: Sau khi Quyết định số 22 có hiệu lực, Ngân hàng CSXH huyện Mộc Châu đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội để ủy thác, tiến hành làm hồ sơ theo danh sách của cơ quan Công an huyện chuyển sang. Đến nay, toàn huyện có 45 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, các trường hợp đã chấp hành tốt các quy định của tổ, tham gia nộp lãi vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả kinh tế gia đình.
Còn anh Trần Viết Công, xóm 2, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, vi phạm pháp luật và bị Công an thành phố Hà Nội bắt giữ cuối năm 2018. Thụ án tại trại giam Thanh Xuân, Hà Nội, được 29 tháng thì anh được giảm án, trở về địa phương. Để có công việc ổn định, anh đã học nghề và mở một quán cắt tóc nhỏ. Tháng 11/2024, anh được vay 50 triệu đồng theo Quyết định số 22.
Anh Công chia sẻ: Được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn, tôi rất phấn khởi, tôi dùng số tiền này để mở rộng kinh doanh làm đẹp và bán mỹ phẩm trên tiktok. Hiện nay, thu nhập từ việc kinh doanh, làm đẹp của gia đình anh đã tương đối ổn định, trung bình 15 triệu/tháng. Đây là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống. Bây giờ, tôi chăm chỉ làm ăn, quyết tâm làm lại cuộc đời, cùng vợ chăm sóc gia đình.
Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của lực lượng Công an, Ngân hàng CSXH tỉnh, sự đồng thuận, quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, kể từ khi triển khai đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã có 132 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn, với số tiền hơn 11,8 tỷ đồng, trong đó, có 10 người đã trả hết nợ, tổng số tiền 802 triệu đồng.
Tăng hiệu ứng lan tỏa chính sách
Trao đổi về hiệu quả nguồn vốn theo Quyết định số 22 trên địa bàn tỉnh, ông Tạ Văn Toàn, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Mặc dù mức vay không cao nhưng qua việc triển khai, những trường hợp được vay vốn đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, trồng chăm sóc ăn quả, chăn nuôi, cho thấy hiệu ứng lan tỏa nguồn vốn rất tốt. 100% đối tượng sử dụng vốn vay đúng mục đích và gửi tiết kiệm hàng tháng. Sử dụng hiệu quả đồng vốn, nhiều người đã trả xong nợ, phát triển sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn hơn.
Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các cấp trong công tác tuyên truyền, rà soát đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù, tham mưu cấp trên xin bổ sung nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương để cho vay được nhiều hơn nhóm đối tượng theo Quyết định số 22.
Thượng tá Lường Khánh Toàn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh, cho biết thêm: Tính đến ngày 1/1/2025, toàn tỉnh đang quản lý 3.203 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nhiều đối tượng khi mới trở về còn mặc cảm tự ti, chưa dám mạnh dạn vay vốn. Công an tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc Cơ quan thi hành án hình sự Công an các huyện, thành phố tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể ở xã, phường, thị trấn thực hiện tốt Quyết định số 22; tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đưa chính sách thực sự đi vào cuộc sống, trở thành động lực để người chấp hành xong án phạt tù nỗ lực làm lại cuộc đời.
Hành trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời của những người lầm lỡ giờ đây không còn đơn độc nhờ có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng hết sức nhân văn của Chính phủ. Đây cũng chính là điểm tựa để mở ra cánh cửa hoàn lương cho những người từng lầm lỡ, giúp họ thực sự trở thành công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!