Mùa xuân cao nguyên Mộc Châu, bức tranh thiên nhiên đa sắc màu, với màu xanh của đồi chè, đồng cỏ, sắc trắng tinh khôi của hoa mận và dâu tây chín mọng… Điều đó thêm khẳng định, nông nghiệp Mộc Châu ngày càng chuyển mình mạnh mẽ theo hướng xanh và bền vững.

Tạo đột phá trong nông nghiệp
Cao nguyên Mộc Châu có hai dạng thổ nhưỡng cơ bản, gồm: Đất feralit đỏ nâu, thích hợp phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm, đặc biệt là cây chè, cây ăn quả và đồng cỏ cho chăn nuôi; đất phù sa cổ thích hợp phát triển cây lúa nước và cây rau màu.
Đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, Mộc Châu là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp ở Sơn La, nổi tiếng với các sản phẩm đặc trưng, như: Chè, sữa, hoa quả ôn đới, rau màu... Tuy nhiên, nông nghiệp Mộc Châu phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nhất là trước đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường và thách thức từ biến đổi khí hậu, nông nghiệp Mộc Châu đứng trước yêu cầu phải thay đổi.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đảng bộ huyện Mộc Châu (nay là Đảng bộ thị xã Mộc Châu) đã xây dựng Đề án số 01-ĐA/HU ngày 15/3/2021 về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025. Đề án đặt mục tiêu đưa công nghệ cao và sản xuất hữu cơ vào nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đề án ra đời với kỳ vọng tạo bước ngoặt trong chiến lược phát triển nông nghiệp trên cao nguyên.

Hiện thực hóa mục tiêu của đề án, cấp ủy, chính quyền thị xã Mộc Châu đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Trong đó, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai, thường xuyên, quyết liệt trong công tác chỉ đạo và kiểm tra các cơ quan, đơn vị, xã, phường, các doanh nghiệp, HTX trong việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ cao và sản xuất hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND thị xã Mộc Châu, cho biết: Xác định việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất tạo bước đột phá trong nông nghiệp, chúng tôi chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, tạo nhiều loại giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, Mộc Châu tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp... Qua đó, nâng cao giá trị nông sản và đặt nền móng vững chắc cho phát triển nông nghiệp bền vững.
Những thành quả vượt bậc
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sau 3 năm thực hiện Đề án đã tạo sự chuyển mình mạnh mẽ trong nông nghiệp trên cao nguyên, nhất là tư duy sản xuất của các doanh nghiệp, HTX và nông dân từ sản xuất thủ công sang ứng dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Về Mộc Châu hôm nay, những câu chuyện về các HTX, nông dân thu tiền tỷ ngày càng xuất hiện nhiều là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi quan trọng này.

Đến HTX hữu cơ Mộc Vân Trang, phường Mộc Lỵ, thị xã Mộc Châu ấn tượng với hệ thống nhà lưới, nhà màng được đầu tư bài bản. Đón chúng tôi, ông Hà Văn Tiến, Giám đốc HTX, thông tin: Với mục tiêu liên kết để phát triển bền vững, cuối năm 2022, tôi vận động một số hộ dân thành lập HTX với 7 thành viên, diện tích đất sản xuất 19 ha. Ban Giám đốc HTX cùng nhau bàn bạc tìm hướng đi, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, lựa chọn các loại rau màu thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường; đặc biệt chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, tạo sản phẩm sạch phục vụ khách hàng.
Trong năm 2024, HTX hữu cơ Mộc Vân Trang tập trung sản xuất trên diện tích 12 ha, trong đó, có gần 4 ha nhà màng, nhà lưới được đầu tư trị giá khoảng 8 tỷ đồng, với hệ thống tưới ẩm tự động tiên tiến, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với các loại cây trồng. Tập trung trồng các loại rau củ, như: Cà chua, ớt chuông, cần tây, dâu tây, dưa chuột, su su và một số rau màu khác. Nhờ thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật, HTX thu được hơn 530 tấn rau, củ, quả các loại, thu về gần 10,6 tỷ đồng; bình quân 1 ha đất thu gần 900 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí HTX thu lãi hơn 6 tỷ đồng; thu nhập của thành viên gần 900 triệu đồng/người/năm. Sản phẩm của HTX được nhiều khách hàng biết đến và tin dùng, có những thời điểm không đủ phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới tại phường Đông Sang là doanh nghiệp tiên phong về đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Mộc Châu từ những năm 2005. Đến nay, công ty đã đầu tư 18 ha đất sản xuất; trong đó có 2 ha nhà kính trồng hoa lan có hệ thống tưới ẩm tự động và điều hòa nhiệt độ ổn định; 8 ha nhà lưới trồng hoa ly, hoa tu-líp và rau, củ trái vụ...
Bà Nguyễn Thúy Hà, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới, chia sẻ: Hằng năm, công ty sản xuất 300.000 cây lan và 1 triệu cây hoa ly, hoa sử dụng 100% cây giống nuôi cấy mô nhập khẩu để trồng và chăm sóc theo quy trình đặc biệt, có can thiệp điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ để ức chế tác động vào quá trình sinh trưởng của hoa lan, giúp hoa nở đúng thời gian thu hoạch theo ý muốn. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, toàn bộ số hoa của đơn vị được xuất bán trong và ngoài tỉnh.

Mộc Châu đã hình thành các vùng tập trung phát triển rau an toàn, hoa chất lượng cao; nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao với doanh thu mỗi năm hằng tỷ đồng/ha, như: Mận hậu, bơ, hồng giòn, quả có múi. Triển khai nhiều ứng dụng trong canh tác và chăn nuôi, như: Ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; công nghệ điều khiển tự động chế độ bón phân, tưới nước; sản xuất trong điều kiện nhà kính, nhà lưới; công nghệ sinh học trong di truyền chọn, tạo giống cây trồng; công nghệ phân tích chất lượng môi trường sản xuất và chất lượng sản phẩm cây trồng; sản xuất cây trồng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, chăn nuôi tuần hoàn; công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa trong quá trình chăn nuôi; công nghệ vi sinh.
Đến nay, Mộc Châu có 486 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm cho hơn 613 ha cây trồng; 141 cơ sở đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới với diện tích hơn 100 ha; có 29 mã số vùng trồng được cấp mã số; 35 cơ sở áp dụng việc thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích 1.125 ha, tập trung chủ yếu trên các loại sản phẩm rau, chè và cây ăn quả.
Thị xã Mộc Châu được UBND tỉnh công nhận 2 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, gồm: Vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao của Vinatea Mộc Châu và Vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.

Đối với phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, Mộc Châu có 9 vùng nông nghiệp hữu cơ được công nhận với diện tích hơn 380 ha. Trong đó, có 4 cơ sở được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ cho các sản phẩm quả mận, bơ và rau, quả, ngũ cốc với diện tích gần 5,2 ha. Có 1.559 tổ chức, cá nhân sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích sản xuất hơn 2.175 ha và có 3 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ.
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thị xã Mộc Châu, đánh giá: Việc thực hiện đề án đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đem lại giá trị cao, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; tăng thu nhập, năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao giá trị sản xuất. Quá trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ còn giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm bớt sự phụ thuộc vào thiên nhiên, nâng cao chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.
Giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh
Không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Mộc Châu còn chú trọng đến việc xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh cho nông sản, từ đồng ruộng đến tay người tiêu dùng. Hiện nay, Mộc Châu được công nhận 58 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, gồm: 18 chuỗi tiêu thụ rau, củ, quả an toàn; 34 chuỗi tiêu thụ quả an toàn; 4 chuỗi tiêu thụ chè an toàn và 2 chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào khâu bảo quản và chế biến cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị nông sản. Những loại hoa quả, rau hữu cơ, và các sản phẩm từ sữa đều được bảo quản bằng công nghệ hiện đại, giúp giữ nguyên chất lượng và kéo dài thời gian sử dụng. Mộc Châu là địa phương đứng đầu toàn tỉnh về số lượng các sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP với 32 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó, 18 sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm đạt 3 sao.
Là đơn vị tiêu biểu trồng cây ăn quả và chế biến nâng cao giá trị nông sản, HTX Nông nghiệp Quyết Thanh, phường Thảo Nguyên, thị xã Mộc Châu có trên 30 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nâng cao giá trị sản phẩm các loại quả và tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ thành viên HTX và các hộ dân liên kết trong thị xã, HTX đã đầu tư xây dựng một xưởng chế biến, lắp đặt dây truyền chế biến sấy nóng và sấy lạnh, máy đóng gói sản phẩm, kho lạnh để bảo quản sản phẩm. Hiện nay, HTX chế biến 7 loại sản phẩm quả với khối lượng khoảng 80 tấn sản phẩm chế biến/năm; tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương và nhiều lao động thời vụ; doanh thu bình quân hằng năm đạt từ 4,5 - 5 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Quyết, Giám đốc HTX Quyết Thanh, thông tin: HTX tập trung xây dựng nhãn mác, logo, mã vạch để định vị thương hiệu trên thị trường. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay HTX có 6 sản OCOP, trong đó 4 sản phẩm 4 sao (mận sấy, chuối sấy, hồng sấy, xoài sấy) và 2 sản phẩm 3 sao (đu đủ sấy dẻo, nước cốt chanh leo). Các sản phẩm của HTX được đặt mua thông qua các trang mạng điện tử, qua các cửa hàng, siêu thị thiệu giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

Phát huy kết quả đạt được, Mộc Châu vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và tuân thủ các quy trình, kỹ thuật, tiêu chuẩn, từng bước thay đổi nhận thức, hành động, thói quen canh tác. Đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa trang thiết bị; ứng dụng toàn diện và đồng bộ các kỹ thuật phục vụ sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của thị xã theo hướng bền vững, không gây hại cho môi trường. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thực hiện xây dựng các nhãn hiệu hàng hóa nông sản chủ lực, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi nông lâm thủy sản an toàn; liên kết sản xuất phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo ổn định và bền vững. Tăng cường hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thị xã; từng bước xây dựng Mộc Châu trở thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!