Tái canh, cải tạo vườn cà phê

Cà phê là cây trồng chủ lực trên địa bàn thành phố Sơn La, đem lại thu nhập, giá trị kinh tế cho hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, qua nhiều năm, nhiều diện tích già cỗi, thoái hóa, giống cũ năng suất và chất lượng thấp. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố đang nỗ lực hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tái canh, ghép cải tạo vườn cà phê bằng các giống mới năng suất, chất lượng cao.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố đã phối hợp với các xã, phường rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê già cỗi, cây trồng năng suất, chất lượng thấp để vận động nhân dân trồng mới, cưa đốn phục hồi, hoặc ghép cải tạo giống cà phê mới năng suất, chất lượng cao như: THA1, TN1, TN2, TN6, TN7, TN9, TN10. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tái canh, ghép cải tạo vườn cà phê.  

Hướng dẫn kỹ thuật tái canh cây cà phê cho người sản xuất phường Chiềng Sinh.

Ông Quàng Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố, cho biết: Căn cứ vào nhu cầu đăng ký tập huấn kỹ thuật của các bản, xã, Trung tâm tổ chức các lớp tập huấn, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con tại địa phương theo hình thức cầm tay chỉ việc. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã mở 14 lớp tập huấn hướng dẫn sản xuất cà phê bền vững cho 437 lượt nông dân tại các xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Xôm, Chiềng Ngần và phường Chiềng An.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân xã Chiềng Cọ ghép cải tạo cà phê bằng giống mới.

Chiềng đen có 75% số hộ canh tác cà phê, với tổng diện tích 1.267 ha, chủ yếu trồng xen mận và các loại cây ăn quả khác. Anh Điêu Chính Đức, viên chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố, chia sẻ: Chúng tôi đã tham mưu, đề xuất với UBND xã triển khai tổ chức tập huấn tại tất cả các bản để nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác cà phê bền vững, hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán, ghép cải tạo, tái canh trồng mới cà phê cho trên 120 hộ trồng cà phê tại 5 bản trên địa bàn. Trong tháng 4, sẽ hoàn thành tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác cà phê bền vững cho nông dân các bản còn lại.

Là một trong những hộ đã áp dụng phương pháp tái canh cây cà phê, đem lại hiệu quả kinh tế, ông Lò Văn Sáng, bản Pảng, xã Chiềng Đen, chia sẻ: Gia đình có 1,6 ha cà phê, trong đó một nửa diện tích cà phê đã trồng trên 20 năm năng suất thấp, quả nhỏ, nhiều sâu bệnh. Năm 2020, qua nghiên cứu, tìm hiểu và được cán bộ khuyến nông tư vấn, gia đình đã tiến hành cải tạo, trồng mới 8.000 m2 cà phê; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ đúng cách, tăng cường sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ, phân vi sinh, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Niên vụ cà phê năm 2022-2023, diện tích cà phê cải tạo đã bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng đạt 10 tấn quả tươi, giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, cho thu nhập 150 triệu đồng.

Vùng trồng cà phê xen canh mận của nông dân xã Chiềng Đen.

Hiện nay, Thành phố có gần 5.000 ha cà phê, chủ yếu giống Catimor, được trồng tập trung tại các xã, Hua La, Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần, phường Chiềng An và phường Chiềng Sinh. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, các hội thảo bàn giải pháp canh tác cà phê bền vững, đã thay đổi tư duy, nhận thức của bà con nông dân trong canh tác cà phê. Nông dân đã chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng quy trình canh tác an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ; sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón hữu cơ, đưa các giống cà phê mới vào sản xuất, canh tác nhằm cải thiện năng suất, chất lượng cà phê trên đia bàn.

Đến nay, Thành phố đã thực hiện tái canh được 50 ha cà phê bằng giống mới, nhiều diện tích cà phê già cỗi đang được tập trung cải tạo. Trong đó, khoảng 18 ha cà phê giống THA1 đã cho thu hoạch quả, năng suất ước đạt 28 tấn quả tươi/ha, tăng 20-25% so với giống cũ, quả to, dài, chất lượng tốt.

Mục tiêu năm 2023, Thành phố tiếp dự kiến trồng mới 2,8 ha cà phê; trồng tái canh và đốn ghép cải tạo 200 ha; đốn cải tạo, trẻ hóa gần 300 ha. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố tiếp tục tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác cà phê bền vững và tập huấn hướng dẫn chăm sóc cà phê theo từng giai đoạn cho các hộ nông dân; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, doanh nghiệp và các tổ chức triển khai các mô hình, dự án phát triển cà phê bền vững, canh tác cà phê hữu cơ trên địa bàn, dần hình thành các liên kết sản xuất cà phê hữu cơ, bền vững.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới