Thời tiết diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh gây hại trên nhiều loại cây trồng. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nâng cao năng lực dự báo, giám sát phòng, trừ dịch hại trên cây trồng, đồng hành với nông dân để có những mùa bội thu.
Tại huyện Mai Sơn, một trong những địa phương có diện tích cây lương thực, cây ăn quả lớn của tỉnh. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; cùng nông dân thường xuyên theo dõi, điều tra sâu bệnh hại 1 lần/tuần; nhất là vào giai đoạn quan trọng của cây trồng, thời kỳ giao mùa để đưa ra những dự báo chính xác.
Qua điều tra, Chi cục phát hiện, kịp thời hướng dẫn nông dân huyện Mai Sơn các biện pháp xử lý các bệnh rầy lưng trắng, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn gây hại trên cây lúa; bệnh sâu keo mùa thu trên cây ngô; rệp sáp, thán thư trên cà phê; bọ xít nâu, sâu đục thân trên cây ăn quả...
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót, cho biết: HTX có hơn 100 ha cây ăn quả các loại. HTX thường xuyên được cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh ở từng thời điểm, sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu, bệnh nằm trong danh mục cho phép để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Thời điểm này, các loại cây ăn quả có múi đang trong giai đoạn dưỡng trái, chúng tôi thường xuyên thăm vườn, kiểm tra sâu bệnh, sử dụng bẫy sinh học để tránh cho côn trùng châm vào quả.
Cùng với công tác giám sát phòng, trừ dịch hại trên cây trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh vừa xây dựng mô hình ứng dụng quản lý dịch hại (IPM) trên cây nhãn tại xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu.
Chị Nguyễn Thị Tú, bản Nam Tiến, xã Bon Phặng, cho biết: Năm 2022, tôi được hỗ trợ tham gia mô hình IPM, được hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV và được tập huấn kỹ thuật vệ sinh vườn, xử lý ra hoa sớm, muộn, chăm bón, tỉa cành, tạo tán... Sau một năm thực hiện, tôi thấy sâu, bệnh xuất hiện ít hơn nhiều, không mất tiền mua thuốc trừ sâu bệnh và công chăm sóc; quả to đều, màu sắc tươi sáng mã và ít bị nứt quả hơn; năng suất đạt trên 12 tấn/ha, thu trên 240 triệu đồng, tăng trên 40 triệu đồng so với canh tác theo phương pháp truyền thống.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thực hiện 26 lượt điều tra định kỳ tình hình sinh vật hại trên cây trồng, phát hiện trên 2.000 lượt ha cây trồng bị nhiễm sinh vật hại. Chi cục đã phối hợp với các địa phương và các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phun gần 1.600 lượt ha có các sinh vật hại với mật độ và tỷ lệ bệnh cao đã đến ngưỡng phòng trừ. Nhờ vậy, không có diện tích cây trồng bị mất trắng do sinh vật hại gây ra.
Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường thông tin dự báo về thời tiết, sâu bệnh và khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, kịp thời phòng trị sâu bệnh và chủ động ứng phó với các điều kiện thời tiết bất lợi. Xây dựng các mô hình, hướng dẫn nông dân về các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”; kỹ thuật trồng chăm sóc cây… để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Do vậy, trong năm qua, các cây trồng chính trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được năng suất và sản lượng ổn định.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, như tỉa dặm, bón phân cân đối đúng thời điểm để cây trồng phát triển tốt; thường xuyên theo dõi, bám sát đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu bệnh phát sinh. Khi sâu bệnh đến ngưỡng, sử dụng các loại thuốc trừ sâu trong danh mục cho phép với liều lượng đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!