Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, cùng kinh nghiệm canh tác của nông dân, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất rau an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, nông dân xã Mường Bon đã chuyển đổi diện tích ruộng lúa một vụ sang chuyên canh trồng các loại rau, củ. Ông Lò Văn Bưu, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bon, thông tin: Hướng tới mục tiêu sản xuất bền vững, xã khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, tăng vụ, khai thác hiệu quả quỹ đất, nâng cao thu nhập. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn sản xuất theo quy trình an toàn; ngoài ra, thành lập 3 HTX để liên kết tiêu thụ rau cho nông dân.
HTX nông nghiệp Tiên Sơn, bản Mai Tiên, xã Mường Bon, có 21 thành viên tham gia liên kết trồng gần 7 ha rau màu, sản lượng trên 560 tấn/năm. Ông Phạm Văn Đấu, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Khi tham gia theo chuỗi liên kết, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và sơ chế rau sau thu hoạch đúng quy trình, nên chất lượng sản phẩm nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, việc trồng rau theo quy trình VietGAP, các hộ thành viên tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu kỹ thuật đối với giống, nguồn nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ, ghi chép đủ quy trình chăm sóc, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, nên sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, đầu ra ổn định. Hằng năm, mỗi hộ thành viên HTX thu nhập từ 300-400 triệu đồng.
Còn tại xã Cò Nòi, với 459 ha rau màu các loại, trung bình mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng nghìn tấn sản phẩm. Trong đó, phải kể đến HTX rau an toàn Vạn Phúc, có 17 thành viên, trồng gần 10 ha rau màu. Trước mỗi vụ sản xuất, HTX đều tìm hiểu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng theo yêu cầu các đơn vị đã ký kết bao tiêu sản phẩm. Bà Lò Thị Thủy, Giám đốc HTX, nói: Với cách làm khoa học, hiệu quả, nên sản phẩm của HTX luôn đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường; từ đầu năm đến nay, HTX đã tiêu thụ gần 200 tấn rau các loại, doanh thu trên 500 triệu đồng.
Gia đình anh Tòng Văn Thu, bản Mé, xã Chiềng Ban, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, làm mái che trồng 3.000 m² giống cà chua bi nhập khẩu Hà Lan, dưa chuột và rau cải theo hướng an toàn, hữu cơ. Anh Thu chia sẻ: Ngoài việc cung cấp sản phẩm cho thị trường, gia đình còn phục vụ khách tham quan, trải nghiệm, gắn với dịch vụ ẩm thực. Trung bình mỗi tháng gia đình đón khoảng 200 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, ăn uống.
Hiện nay, huyện Mai Sơn có 3.749 ha rau, đậu, cây gia vị các loại, tập trung ở các xã: Cò Nòi, Chiềng Ban, Hát Lót, Mường Bằng, Mường Bon, Chiềng Mai, Chiềng Mung, Chiềng Sung; trong đó, 35,8 ha được cấp VietGAP. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Huyện đang duy trì 3 chuỗi cung ứng rau an toàn, tổng diện tích 450 ha. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã phối hợp với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao khảo sát, quy hoạch loại cây trồng phục vụ nguyên liệu chế biến. Đến nay, có 9 HTX, tổ hợp tác và các hộ liên kết sản xuất hơn 260 ha rau chân vịt, ngô ngọt, đậu tương với Công ty.
Thực hiện Đề án “Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030”, huyện Mai Sơn đang rà soát, ưu tiên phát triển vùng chuyên canh rau theo hướng an toàn, hữu cơ, phấn đấu đến năm 2030, diện tích rau toàn huyện đạt 5.000 ha. Đồng thời, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi, hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, kinh phí xây dựng nhà kính, nhà lưới tại vùng chuyên canh rau an toàn cho các HTX và nông dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!