Chủ động mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, tích cực tham gia các dự án đã giúp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La triển khai nhiều chương trình, mô hình, hoạt động thiết thực; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ, giúp nông dân ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, thu nhập, cải thiện đời sống.
Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Tổ chức nghiên cứu Nông lâm Quốc tế tại Việt Nam (ICRAF) thực hiện Dự án "Thúc đẩy và mở rộng nông lâm kết hợp hướng theo thị trường và các giải pháp phục hồi rừng cho vùng Tây Bắc Việt Nam". Dự án được chia làm 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 2012-2017; giai đoạn 2018-2021, triển khai cho gần 200 hộ các huyện Mai Sơn, Vân Hồ và Quỳnh Nhai, Thuận Châu.
Dự án đã xây dựng 3 vườn ươm tại huyện Mai Sơn, 20 mô hình nông lâm kết hợp: Nhãn chín muộn - ngô - cỏ, sơn tra - ngô - cỏ chăn nuôi, mắc ca - cà phê - đậu đỗ... Ngoài ra, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tạo điều kiện các hộ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất mô hình nông, lâm kết hợp và nông lâm tổng hợp ở một số tỉnh lân cận; hỗ trợ giống cây ăn quả, cây trồng rừng, giống cỏ, phân bón; đồng hành tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để các hộ áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hiệu quả... góp phần thúc đẩy hệ thống nông lâm kết hợp thân thiện với môi trường, cải thiện sinh kế người dân, tăng cường quản lý rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Anh Lò Văn Lịch là một trong 29 hộ dân bản Nà Ban, xã Hát Lót tham gia mô hình nông lâm kết hợp chống biến đổi khí hậu. Trong gần 10 năm qua, gia đình anh Lịch chuyển đổi 1,3 ha đất đồi dốc để thực hiện mô hình nông lâm tổng hợp. Anh Lịch chia sẻ: Hiện nay, diện tích đất đồi của gia đình đã được phủ xanh bằng cây nhãn, xoài. Ngoài ra, gia đình trồng xen cỏ ghine, phục vụ nuôi đại gia súc, mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) triển khai Dự án "Xây dựng mô hình tái canh cà phê Arabica, đào tạo nông dân và các hỗ trợ khác về sản xuất cà phê Arabica, nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu". Dự án thực hiện điểm trình diễn tái canh 10 ha cà phê bằng giống THA1; cấp 350.000 cây giống cà phê THA1, 1.000 cây mắc ca, gần 55 tấn phân hữu cơ vi sinh, 10 tấn vôi bột và thuốc xử lý nấm Trichoderma hỗ trợ các hộ trồng tái canh 25,7 ha cà phê xen cây mắc ca tại Thành phố, huyện Thuận Châu và Mai Sơn. Bên cạnh đó, dự án tổ chức các lớp tập huấn phương pháp canh tác, quản lý sản xuất cà phê Arabica bền vững, canh tác cà phê bền vững thông minh với khí hậu...
Ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố, nói: Dự án của Tổ chức GIZ hỗ trợ thực hiện 1 mô hình trình diễn tại xã Chiềng Đen; hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp cho 20 hộ xã Chiềng Cọ, Chiềng Ngần và phường Chiềng An trồng tái canh 11 ha cà phê. Đến nay, cây mắc ca phát triển chiều cao trung bình 1,5-1,6 m, tỷ lệ sống đạt 95%. Riêng cây cà phê phát triển tốt, chiều cao trung bình 50-60 cm, tỷ lệ sống đạt 87% và không có sâu bệnh.
Bà Cầm Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Thông qua các dự án quốc tế, tiêu biểu các dự án: AAV - canh tác đất dốc, thú y cộng đồng, GTZ của Đức - lâm nghiệp, SNV của Hà Lan - canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất dốc, ICRAF của Úc - xây dựng sinh kế nông lâm kết hợp, AIAR của Úc - canh tác ngô bền vững trên đất dốc, JICA của Nhật Bản, LCASP - xây dựng bể khí sinh học... Khuyến nông Sơn La có cơ hội học hỏi, tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và trong khu vực. Nhờ đó, giúp cán bộ khuyến nông và nông dân cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, đưa ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!