Trên địa bàn tỉnh, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp và khó dự đoán. Chủ động ứng phó, tỉnh Sơn La ban hành kế hoạch, triển khai nhiều hoạt động, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng đề án; triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, lồng ghép đánh giá tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hình thức phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5/6; Tuần lễ quốc gia vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai; Ngày khí tượng thế giới...
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân được nâng lên; công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thời tiết, duy trì trực 24h/24h, kịp thời chỉ đạo khắc phục, xử lý trong mọi tình huống. Tăng cường hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện cho UBND cấp xã và các đơn vị chức năng, nhằm nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn trước biến đổi khí hậu. Các tổ, bản xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường khu dân cư. Các mô hình cộng đồng ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp được hình thành và phát triển.
Phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ngành nông nghiệp nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, từ làm theo kinh nghiệm, thuận theo tự nhiên, sang áp dụng khoa học kỹ thuật. Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Ngành chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn sản xuất trong điều kiện thời tiết bất lợi. Xây dựng nhiều mô hình, giải pháp kỹ thuật trên các loại cây trồng, giúp người dân chủ động trong sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, như đưa vào gieo trồng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với biến đổi của thời tiết, sâu bệnh. Các cơ quan chuyên môn luôn thực hiện tốt việc dự tính, dự báo về thời tiết trong ngày, tuần, tháng và cả thời vụ.
Bên cạnh đó, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thông tin: Từ năm 2023 đến nay, đã tổ chức kiểm tra 11 cơ sở, phát hiện những tồn tại, hạn chế và các sai phạm, kiến nghị và xử lý kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường. Tích cực phòng ngừa, kiểm soát các dự án, công trình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngay từ giai đoạn thẩm định các thủ tục hành chính về môi trường; quản lý chất thải nguy hại; xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy, mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng cần nâng cao ý thức, chung tay góp sức bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi các giải pháp được tiến hành đồng bộ, quyết liệt, sẽ hạn chế được tác nhân gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!