Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Hiện nay, thời tiết nắng, mưa thất thường, là điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh phát triển. Do đó, việc quản lý, giám sát và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi được ngành chức năng, huyện, thành phố và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện.

Kinh nghiệm hơn chục năm nuôi lợn, chị Cà Thùy Linh, bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, chia sẻ: Trước đây, cứ 2-3 tuần gia đình mới phun khử khuẩn 1 lần, thời điểm này, mưa nhiều nên việc vệ sinh, khử trùng được làm thường xuyên hằng ngày để đàn lợn không bị nhiễm bệnh. Hiện nay, trong chuồng có hơn 20 con lợn thịt và 5 con lợn nái phát triển tốt.

Gia đình chị Cà Thùy Linh rắc vôi bột khử khuẩn tại khu vực chăn nuôi.
Ảnh: Nguyễn Yến

Còn tại HTX Nông nghiệp Sơn La, huyện Mai Sơn, để bảo vệ 800 con bò 3B, HTX chủ động tiêm phòng; chú trọng điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp theo độ tuổi và bổ sung một số loại vitamin tăng sức đề kháng cho đàn bò phát triển tốt.

Anh Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Trong thời điểm nắng nóng, mưa thất thường, con giống đưa về trang trại phải nuôi cách ly ở khu vực riêng khoảng 10 ngày để theo dõi, kiểm soát dịch bệnh; thực hiện vệ sinh cạo rửa móng bò bằng nước chua để loại bỏ những mầm bệnh, nhất là bệnh lở mồm long móng. Sáu đó, bò giống được tiêm phòng dịch, đánh số, đưa về khu chăn nuôi tập trung. Định kỳ, HTX kiểm tra trọng lượng từng con bò để theo dõi bổ sung thêm chất dinh dưỡng. Tất cả các quy trình, được ghi chép trên sổ nhật ký để theo dõi quá trình sinh trưởng của vật nuôi. Bên cạnh đó, HTX gắn mã QR Code từng con bò, giúp đơn vị thu mua thuận lợi truy xuất hình ảnh, thông tin về giống, quy trình chăm sóc, chất lượng của con bò khi đến kỳ xuất chuồng.

Đàn bò 3B tại HTX Nông nghiệp Sơn La được gắn mã Qrcode để theo dõi.
Ảnh: Nguyễn Yến

Theo thống kê, toàn tỉnh đang có trên 7,7 triệu con gia súc, gia cầm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh, đã phát sinh dịch tả lợn châu Phi tại 13 lượt tổ, bản của 11 lượt xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thành phố với 440 lợn mắc bệnh và tiêu hủy; bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 2 xã thuộc 2 huyện huyện Sốp Cộp, Vân Hồ, làm 228 con trâu, bò bị mắc bệnh.

Ngay khi phát sinh các ổ dịch, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cùng các địa phương thành lập đoàn công tác trực tiếp đến các xã, bản có bệnh dịch để xử lý ổ dịch. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh ngay khi còn trong diện hẹp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền tới người chăn nuôi nâng cao ý thức, thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan chức năng trong việc mua bán, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ động vật ra, vào địa bàn. Đến nay, chỉ còn 1 ổ dịch tả lợn châu Phi thuộc 1 xã chưa qua 21 ngày; dịch lở mồm long móng không phát sinh gia súc mắc bệnh, số gia súc mắc bệnh đã được điều trị khỏi triệu chứng.

Bảo vệ, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với UBND các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi hiểu đúng, hiểu rõ tình hình dịch bệnh; thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biết cách nhận biết, sớm phát hiện, khai báo dịch bệnh gia súc, gia cầm và có phương án chữa trị kịp thời.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, thông tin: Ngay từ đầu tháng 3/2023, Chi cục căn cứ vào số lượng tổng đàn gia súc, gia cầm ở từng địa phương, bàn giao vắc xin cho các địa phương. Đến nay, đã tiêm phòng trên 158.000 liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu phi và viêm da nổi cục. Chi cục tiếp tục cung ứng các huyện, thành phố 584.480 liều vắc xin, 13.621 lít hóa chất và chỉ đạo triển khai tiêm phòng các loại vắc xin năm 2023 trước khi mùa mưa đến. Tại các điểm chợ, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm dịch động vật, kịp thời phát hiện và tiêu hủy những sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.

Phòng tránh dịch bệnh cho đàn vật nuôi hiệu quả, các ngành chuyên môn khuyến cáo hộ chăn nuôi trong tỉnh, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ gia cố chuồng trại vững chắc; bảo đảm mật độ nuôi phù hợp số lượng và đặc tính, lứa tuổi của đàn vật nuôi; kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm; khơi thông cống rãnh; áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần chọn con giống có nguồn gốc uy tín, bảo đảm an toàn.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới