Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX

Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, thành phố Sơn La đã khuyến khích các hộ nông dân liên kết thành lập hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Giọng nữ
Mô hình trồng thanh long an toàn của thành viên HTX Nông nghiệp An Phú, phường Chiềng An, Thành phố.

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp An Phú, phường Chiềng An, thành lập năm 2019, từ 10 thành viên ban đầu, đến nay, HTX đã phát triển lên 18 thành viên và và liên kết sản xuất với 26 hộ trên địa bàn huyện Mai Sơn và Thành phố, sản xuất 40 ha cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm mận, thanh long, na...

Ông Quàng Văn Chung, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Phú, cho biết: Khi mới thành lập, HTX được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ bao bì, tem mác và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, HTX đã chủ động nghiên cứu, thực hiện ghép cải tạo vườn cây ăn quả, áp dụng kỹ thuật sản xuất rải vụ và chọn lọc các loại giống mới phù hợp, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 500 tấn quả các loại, cung ứng cho các cửa hàng rau, củ, quả an toàn trên địa bàn thành phố Sơn La, các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và một số chợ đầu mối ở Hà Nội. Thu nhập mỗi thành viên đạt khoảng 200 triệu đồng/năm.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố hướng dẫn thành viên HTX Nông nghiệp Chiềng Sét, xã Chiềng Đen kỹ thuật thu hái cà phê.

Còn HTX Nông nghiệp Chiềng Sét, bản Tòng Xét, xã Chiềng Đen, thành lập năm 2019, có 15 thành viên, sản xuất 40 ha cà phê trồng xen mận, mơ. Từ năm 2022 đến nay, HTX đã liên kết với HTX cà phê Bích Thao, xã Hua La trồng, chế biến cà phê đặc sản. Ông Quàng Văn Diên, Giám đốc HTX, cho biết: Được sự hỗ trợ của Thành phố, HTX đã đầu tư hệ thống nhà sấy năng lượng mặt trời 400 m²; ngoài ra, HTX liên kết thu mua bao tiêu cà phê cho các hộ dân trên địa bàn xã. Riêng vụ cà phê năm nay, HTX đã thu mua, chế biến trên 100 tấn cà phê tươi, trong đó, sản xuất khoảng 12 tấn cà phê nhân xanh đặc sản.

Hiện nay, Thành phố có 71 HTX, với tổng số 880 thành viên, tăng 7 HTX so với năm 2021. Các HTX chú trọng đầu tư, mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và phát triển các dịch vụ đa dạng, trở thành cầu nối, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Giai đoạn 2021-2023, Thành phố đã hỗ trợ 5 doanh nghiệp, HTX xây dựng mô hình sản xuất an toàn và được cấp giấy chứng nhận VietGAP; hỗ trợ 8 doanh nghiệp, HTX xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bao bì, nhãn mác, với tổng kinh phí trên 640 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP địa phương. Đến nay trên địa bàn thành phố có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó 1 sản phẩm đạt 5 sao, 5 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm 3 sao.

HTX Nông nghiệp Chiềng Sét, xã Chiềng Đen, Thành phố đầu tư nhà sấy năng lượng mặt trời, sản xuất cà phê đặc sản.

Việc các HTX trên địa bàn Thành phố chủ động liên kết và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng sự hỗ trợ của địa phương, đã tạo động lực cho các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Hiện nay, doanh thu bình quân đạt 650 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của thành viên tăng từ 45 triệu đồng năm 2021, lên 60 triệu đồng năm 2023. Bên cạnh đó, các HTX tạo việc làm thường xuyên hơn 450 lao động địa phương.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, Thành phố tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ các HTX đổi mới phương thức hoạt động; tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới