Hơn 20 năm trước, hàng chục nghìn người dân của tỉnh Sơn La đã rời quê hương bản quán, nhường đất để thực hiện kế hoạch ngăn sông Đà, xây dựng Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Trong cuộc đại di dân lịch sử, tỉnh Sơn La di chuyển 12.584 hộ, 58.337 nhân khẩu, ở 169 bản của 17 xã thuộc 3 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, đến tái định cư tại 70 khu, 276 điểm tái định cư tập trung nông thôn, đô thị và xen ghép thuộc 8/12 huyện, thành phố trong tỉnh.
Riêng Quỳnh Nhai phải di chuyển gần như cả huyện lỵ, với 8.435 hộ, 36.000 nhân khẩu thuộc 9 xã, 99 bản, xóm ra khỏi vùng ngập, chiếm 2/3 tổng số dân di chuyển trong toàn tỉnh.
“Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, “Muốn di dân phải chuyển được lòng dân”, “Cùng ăn, cùng bàn, cùng làm, cùng ở, cùng nói một thứ tiếng”,… là phương châm hành động của cấp ủy, chính quyền cùng hàng chục đoàn công tác, hàng trăm cán bộ của tỉnh, của huyện tăng cường về cơ sở, tuyên truyền, vận động, giúp nhân dân chuyển đến nơi ở mới.
Trước lời hiệu triệu của Đảng, Nhà nước, những người dân đồng thuận nhường “nơi chôn nhau cắt rốn”, mang theo ký ức về miền quê thương nhớ đến các điểm tái định cư. Năm 2010, cuộc đại di dân trên địa bàn tỉnh Sơn La hoàn thành, 58.337 nhân khẩu của cả 3 huyện đã được sắp xếp, ổn định đời sống và sản xuất tại nơi ở mới.
Từ giữa năm 2010, công trình thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước, những bến sông, những ruộng đồng, làng bản chìm dần trong biển nước mênh mông. Quê cũ chỉ còn trong hoài niệm không bao giờ phai nhòa của những cụ bà, cụ ông đã gần cả đời gắn bó với nơi mình sinh ra, lớn lên; là một phần trong ký ức tuổi thơ của những cô, cậu bé bấu áo mẹ rời đi trong vô tư, hồn nhiên ngày ấy.
Nhiều tên đất, tên bản, bến sông xưa bây giờ chỉ còn được nghe trong câu chuyện kể của người lớn tuổi. Du khách giờ đây đến với Quỳnh Nhai, đi thuyền ngắm cảnh trên sông Đà, sẽ được nghe “sự tích” về biển hồ, nghe câu chuyện về những người dân dứt áo, rời quê, nhường đất cho công trình thế kỷ và câu chuyện về nhịp sống hôm nay nơi biển hồ.
Thủy điện Sơn La tích nước, hình thành nên một vùng lòng hồ rộng lớn với lưu vực hồ rộng 43.760 km2. Từ Km0 tại Thủy điện Sơn La, lòng hồ kéo dài và trải rộng, ngược dòng qua Thuận Châu, Quỳnh Nhai về đến vùng thượng nguồn sông Đà ở Lai Châu, Điện Biên.
Tại Sơn La, vùng lòng hồ bao trùm trên diện tích gần 4.000 km2 (chiếm gần 30% diện tích của tỉnh), thuộc huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mường La. Mặt nước hồ ngập giữa lưng chừng những quả đồi với những cánh rừng xanh tươi tốt, hoặc ngang dãy núi đá vôi cao sừng sững, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, tráng lệ. Riêng Quỳnh Nhai, với hơn 10.500 ha lòng hồ, với dòng nước trong xanh thăm thẳm, soi bóng những ngọn núi đá có từ ngàn năm, vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ, đẹp không khác gì vịnh Hạ Long giữa miền Tây Bắc.
Khai thác được tiềm năng từ mặt nước, nguồn lợi của lòng hồ thay vì vùng đất đã ngập, giúp bà con nhân dân có sinh kế ổn định và phát triển lâu dài..., tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo về khai thác tiềm năng vùng lòng hồ các thủy điện trên địa bàn tỉnh; tổ chức các cuộc khảo sát lòng hồ thủy điện Sơn La để chỉ đạo xây dựng các chính sách phù hợp, hiệu quả. Trọng tâm là triển khai các giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng nuôi thủy sản, giao thông đường thủy và du lịch lòng hồ thủy điện. Nhiều chính sách mới được triển khai, hỗ trợ bà con về kiến thức, kỹ thuật, vốn, giống, vật tư để nuôi cá lồng, xây dựng các hợp tác xã thủy sản. Những lồng cá dần được nhân rộng, những dãy nhà sàn mái đỏ lấp ló bên sông đã mang đến sức sống mới cho vùng lòng hồ.
Là một trong những hộ tái định cư đến bản Bung Én, xã Chiềng Bằng, ông Lò Văn Khặn không ngừng học hỏi, nỗ lực để phát triển mô hình kinh tế mới từ tận dụng lợi thế mặt hồ thủy điện. Từ vài lồng cá nuôi thí điểm, đến nay gia đình ông duy trì ổn định 30 lồng cá, liên kết với các hộ trong xã cùng nuôi cá lồng, thành lập Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng.
Khai thác lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai đã phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản. Toàn huyện hiện có hơn 20 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản, với hơn 4.500 lồng cá, sản lượng nuôi và đánh bắt hơn 1.800 tấn/năm. Các HTX thủy sản tập trung chủ yếu ở xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn và Mường Giàng, thành viên chủ yếu là các gia đình nuôi cá lồng lâu năm liên kết nuôi, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của lòng hồ Quỳnh Nhai.
Lòng hồ thủy điện Sơn La mang trong mình tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Điểm khởi đầu là công trình thủy điện thế kỷ chỉ cách thành phố Sơn La hơn 30 km, tiếp đến là vùng biển hồ Quỳnh Nhai cũng chỉ cách Thành phố 60 km, giao thông thuận tiện, kết nối cả đường bộ và đường thủy với thị xã Mường Lay, Tủa Chùa (Điện Biên) – Sìn Hồ (Lai Châu), hình thành nên hành trình du lịch lòng hồ hấp dẫn.
Nằm trong hành trình đó, Quỳnh Nhai không chỉ có vẻ đẹp biển hồ, thiên nhiên khoáng đạt, du lịch nơi đây còn có tiềm năng lớn từ khai thác giá trị văn hóa truyền thống, những câu chuyện lịch sử ngàn đời, hành trình chinh phục dòng Đà giang “hung bạo và trữ tình”, mang về dòng điện sáng cho Tổ quốc. Nơi đây, còn có những người dân hồn hậu, những nét văn hóa giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc; ẩm thực đa dạng, phong phú…, là những điểm cộng hưởng để phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao, thu hút du khách gần xa về với miền quê sơn thủy hữu tình này. (Còn nữa)
Bài, ảnh: Thanh Đào - Hoàng Giang - Thiết kế: Bảo Khánh
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!