Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm rất cao, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị và nông dân tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm đàn vật nuôi phát triển.
Trong 8 tháng đầu năm, dịch tả lợn châu Phi phát sinh, tái dịch ở 17 lượt tổ, bản của 14 xã, phường tại 6 huyện, thành phố, với 664 con lợn mắc bệnh và tiêu hủy. Đến nay, còn 2 xã chưa qua 21 ngày để công bố hết dịch, không có ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi mới. Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ gia đình về biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nâng đề kháng cho đàn lợn; yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch không để lây lan.
Tại huyện Thuận Châu, trong tháng 8, bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại xã Mường Bám, làm 123 con lợn bị chết và tiêu hủy. Ông Lường Thanh Tuyển, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Ngay khi phát sinh ổ dịch, huyện phân bổ, cấp 105 lít hóa chất, vôi bột cho các hộ dân chủ động khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại, tránh để lây lan diện rộng. Đồng thời, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng quy định. Tăng cường tuyên truyền, tổ chức cho các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn ký cam kết thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt cho lợn ăn).
Cũng từ đầu năm đến nay, dịch lở mồm long móng trên trâu, bò phát sinh tại xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, làm 1 con bò bị chết, phải tiêu hủy. Ông Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền nhân dân cách nhận biết các dấu hiệu bệnh, biện pháp phòng, chống bệnh dịch. Đến thời điểm này, huyện đã cấp phát trên 22.100 liều vắc xin lở mồm long móng cho nhân dân các xã để tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Đến nay, không phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn huyện.
Toàn tỉnh đang có khoảng 7,7 triệu con gia súc, gia cầm. Bám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La tham mưu cho ngành và tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh. Đề nghị các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi, khu vực xung quanh có nguy cơ cao.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp UBND xã, phường, thị trấn chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là các khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, gây ảnh hưởng cho cộng đồng.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tiêm 202.800 liều vắc xin tụ huyết trùng cho trâu bò; hơn 283.970 liều vắc xin lở mồm long móng; trên 34.000 liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi và trên 41.700 liều vắc xin viêm da nổi cục...
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La, cho biết: Đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ, tổng hợp tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, bảo đảm phát hiện sớm. Chủ động kịp thời chỉ đạo, báo cáo, tham mưu các giải pháp chống dịch hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với đàn vật nuôi của người dân, đảm bảo thực hiện kế hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh.
Bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiêm vắc xin đàn vật nuôi đầy đủ; thực hiện tốt việc khai báo dịch bệnh nếu có, bảo đảm việc duy trì, phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!