Thực hiện nhiệm vụ được giao, Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại huyện Bắc Yên tăng cường công tác quản lý, phối hợp với các xã, thị trấn khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất cây trồng.
Công ty đang quản lý khai thác, vận hành 105 đập, mương xây bê tông kiên cố, dài gần 138 km; 10 mương đất, dài hơn 270 km; gần 75 km đường ống dẫn nước; 10 cửa lấy nước; 109 phai tạm. Các công trình thủy lợi không chỉ đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho gần 3.123 ha lúa mà còn chủ động nước tưới cho cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi thủy sản. Vụ xuân năm 2023 đạt gần 3.000 tấn, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện.
Ông Lường Văn Huân, Trưởng Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại huyện Bắc Yên, cho biết: Công ty đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức bảo vệ công trình và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tích cực tu sửa, phát dọn cỏ, cây trên mương và đập đầu mối, khơi thông dòng chảy, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; bảo vệ công trình và ngăn chặn, phòng, chống các hành vi lấn chiếm hành lang hoặc phá hoại công trình thủy lợi. Đồng thời, chủ động rà soát các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp để lập kế hoạch ưu tiên các hạng mục công trình mang tính cấp bách đưa vào sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo diện tích gieo trồng. Từ đầu năm đến nay, Chi nhánh phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các tổ thủy nông cơ sở thực hiện nạo vét, phát dọn hơn 400 km mương, với gần 6.000 m3 đất, đá; tu sửa 51 phai tạm và đắp 391 m3 đất, đá cho các công trình thủy lợi...
Cùng với khai thác hiệu quả công trình thủy lợi, từ đầu năm đến nay, Chi nhánh thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn chỉ đạo 84 tổ thủy nông trên toàn huyện quản lý, điều tiết và bảo vệ an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn.
Bà Đinh Thị Bích, Chủ tịch UBND xã Song Pe, cho biết: Để sử dụng hiệu quả hệ thống thủy lợi, xã đã thành lập 4 tổ thủy nông, mỗi tổ có 3 người, được hưởng kinh phí hỗ trợ theo diện tích quản lý thực tế, với 140 nghìn/ha/vụ. Có nhiệm vụ quản lý, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi, thường xuyên kiểm tra, khơi thông dòng chảy các tuyến mương, đảm bảo nguồn nước cho các hộ sản xuất. Cùng với đó, vào mùa mưa lũ, UBND xã thường xuyên phối hợp với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi của huyện tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá, xây dựng kế hoạch, huy động nhân dân tham gia khắc phục, sửa chữa đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bản Pe, xã Song Pe có 2 công trình đập ngăn nước, mương xây kiên cố, với tổng chiều dài 1,7km và 3 phai tạm ngăn nước suối Cao Đa, đảm bảo dẫn nước tưới tiêu cho 11,6ha lúa 2 vụ và cây vụ đông. Ông Đinh Văn Tinh, Tổ trưởng tổ thủy nông bản Pe, cho biết: Trong các mùa vụ chúng tôi thường xuyên khơi thông dòng chảy, điều tiết nước cho các hộ, kiểm tra, theo dõi, kịp thời phát hiện những đoạn mương dẫn nước bị hỏng để huy động nhân dân trong bản kịp thời sửa chữa, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho diện tích đất sản xuất của bản.
Đảm bảo khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, Chi nhánh tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền triển khai Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn; nâng cao ý thức, trách nhiệm, vai trò của người dân trong quản lý, khai thác, bảo vệ, vận hành, sử dụng hiệu quả, bền vững các công trình thủy lợi trên địa bàn. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống lũ bão, chống hạn và kế hoạch tưới tiêu phục vụ sản xuất hợp lý; rà soát, thành lập, củng cố, kiện toàn các tổ thủy nông cơ sở để quản lý, khai thác công trình thủy lợi hoạt động có hiệu quả, bền vững, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!