Xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu hữu cơ theo chuỗi liên kết

Xây dựng vùng dược liệu hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, Công ty cổ phần dược Nam Sơn – Chi nhánh Sơn La đã và đang góp phần bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm, tăng nguồn thu nhập cho các hộ dân vùng cao, biên giới của tỉnh Sơn La. Đồng thời, cung cấp nguồn dược liệu phục vụ việc khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Theo đánh giá của Viện Dược liệu Việt Nam, tỉnh Sơn La có 562 loài cây thuốc, trong đó, nhiều loại cây quý và hiếm có giá trị kinh tế cao, như: Đương quy, giảo cổ lam, cát cánh, sa nhân tím, thảo quả, atiso, ý dĩ, hồi, quế, gấc, đinh lăng, ba kích, đẳng sâm... Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác tận thu trong tự nhiên, nhiều loài dược liệu quý đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cần được bảo tồn.

Vườn ươm giống cà gai leo tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Giám đốc Công ty cổ phần dược Nam Sơn - Chi nhánh Sơn La, cho biết: Năm 2021, Công ty liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX trồng dược liệu hữu cơ vi sinh theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; mở các lớp đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm dược liệu; khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Đến nay, Công ty liên kết với các tổ hợp tác, HTX các huyện: Sốp Cộp, Yên Châu, Mường La, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Mộc Châu trồng gần 100 ha dược liệu. Trong đó, trồng 22 ha sơn tra tại xã Mường Cai, huyện Sông Mã; 24,3 ha cà gai leo, hà thủ ô tại xã Chiềng On, huyện Yên Châu và xã Pi Toong, huyện Mường La; 23 ha thảo quả tại các xã Chiềng Công, Ngọc Chiến, huyện Mường La và xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai; 23 ha đẳng sâm tại xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu.

Công nhân chăm sóc vườn ươm cây giống dược liệu.

Trong số những mô hình dược liệu đang triển khai, cây cà gai leo được đánh giá là mô hình hiệu quả, chịu được hạn, không yêu cầu cao về kỹ thuật, dễ trồng, thời gian thu hoạch 6 tháng. Nếu chăm sóc tốt, mỗi năm thu hoạch được 3 vụ. Các hộ tham gia mô hình ở bản Nà Đít, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, đánh giá, so trồng cây lúa một vụ với trồng cà gai leo, cà gai leo cho năng suất, hiệu quả kinh tế khi cao hơn 30-50%.  Mô hình trồng hà thủ ô, đẳng sâm cũng đang sinh trưởng, phát triển tốt..

Ông Vì Văn Nèn, bản Nà Đít, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, cho biết: Tham gia mô hình trồng cà gai leo, gia đình tôi được hỗ trợ giống cây, phân bón hữu cơ, tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và được Công ty dược Nam Sơn bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Với mô hình trồng cà gai leo, người dân chỉ cần 1 năm đầu trồng, chăm sóc, thu hoạch và tận thu được 3 năm mới phải trồng lại. Mỗi năm thu hoạch được 3 vụ, sẽ cho thu hoạch khoảng 10 tấn cà gai leo tươi, tương đương 3 tấn khô/ha/lứa, với giá bán hiện tại từ 25-27.000 đồng/1kg khô, trung bình một năm người nông dân thu được khoảng 130 triệu đồng/ha.

Để phát triển vùng trồng dược liệu đảm bảo chất lượng, năm 2023, Công ty thuê 2 ha đất ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, xây dựng vườn ươm cây giống dược liệu. Phối hợp với các xã, bản, mở các lớp hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản sản phẩm dược liệu. Nghỉ tay hướng dẫn công nhân đóng bầu, chăm sóc vườn ươm cây giống cà gai leo, anh Nguyễn Văn Chương, kỹ sư nông nghiệp của Công ty cổ phần dược Nam Sơn, chia sẻ: Vườn ươm của Công ty đang có 2 khu, khu số 1, thực hiện đóng bầu đất; khu số 2 có 26 nghìn cây cà gai leo được trồng theo phương pháp giâm hom, chăm sóc theo hướng hữu cơ vi sinh, phân chuồng, có sự giám sát kỹ thuật hàng ngày.

Phòng khám của Công ty cổ phần dược Nam Sơn - Chi nhánh Sơn La, tổ 4, phường Quyết Thắng.

Ông Vũ Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Sơn La, chia sẻ: Hiện tại, nguồn dược liệu cũng như thuốc đông y không đủ cung cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh, do nguồn dược liệu khai thác từ rừng đã cạn kiệt, nhiều loại hiện nay bị cấm khai thác từ tự nhiên. Việc Công ty cổ phần dược Nam Sơn đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục được nhân rộng. Công ty CP dược Nam Sơn đang có trên 40 sản phẩm, trong đó có nhiều bài thuốc nổi tiếng, như: Trận đả hoạt huyết giúp tăng cường lưu thông khí huyết, hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp; các bài thuốc điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý nội tiết về gan, mật... 

Thường xuyên mua thuốc điều trị bệnh xương khớp của của Công ty cổ phần dược Nam Sơn, chị Nguyễn Thị Hoa, xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, chia sẻ: Nhiều năm nay, sử dụng sản phẩm thuốc của Công ty, tôi thấy hợp và hiệu quả, giờ đây xương khớp tôi không còn đau mỏi như trước nữa.

Việc phát triển vùng chuyên canh cây dược liệu theo chuỗi liên kết của Công ty cổ phần dược Nam Sơn đã và đang góp phần bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu quý, vì sức khỏe của nhân dân . 

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới