Đầu năm 2025, nông dân trồng mận hậu tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đón nhận tin vui khi được công nhận là vùng mận hậu ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh và là vùng cây ăn quả thứ 3 của huyện Yên Châu được công nhận.
Cây mận hậu được đưa vào trồng ở Phiêng Khoài từ năm 1990, nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cùng với việc người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chiết, ghép nên cây mận ra nhiều đợt hoa, cho năng suất và chất lượng quả cao. Từ vài chục ha ban đầu đến nay, toàn xã có 2.110 ha, hiện đang là địa phương có diện tích mận lớn nhất huyện Yên Châu.
Phiêng Khoài đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện quy hoạch, xây dựng vùng mận chuyên canh quy mô lớn, tập trung; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mận cho nông dân trên địa bàn theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ và vận động các hộ liên kết sản xuất. Hiện nay, cả xã có 7 HTX chuyên trồng và tiêu thụ mận hậu, gồm: HTX Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu, HTX Hoa ban trắng, HTX Tân Tiến, HTX Kiên Cường, HTX Kiên Thành.
Các HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với 104 hộ dân trên địa bàn 8 bản gồm: Con Khằm, Cồn Huốt 1, Hang Mon 1, Hang Mon 2, Kim chung 1, Kim Chung 2, Tam Thanh, Thanh Yên 2 với tổng diện tích 522,1 ha. Hiện nay, tổng sản lượng mận trong vùng đạt gần 20.000 tấn, năng suất đạt từ 12-15 tấn/ha.
Gần 4 năm trở lại đây, HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu ở bản Kim Chung, xã Phiêng Khoài đã duy trì và liên kết trồng 81 ha mận hậu, áp dụng phương pháp sản xuất an toàn tạo sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng, đặc biệt là xây dựng thành công thương hiệu “Mận Ruby”. Các thành viên được hướng dẫn trồng, chăm sóc mận hậu theo hướng hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, bón phân tự động, kết hợp kỹ thuật tỉa cành, tạo tán nên chất lượng quả được đánh giá cao. Mỗi năm, HTX thu hoạch, tiêu thụ trên 300 tấn mận. Ngoài cung cấp cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, sàn thương mại điện tử; các thành viên HTX còn livestream tại vườn giới thiệu, bán hàng trên mạng xã hội.
Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Điểm khác biệt của mận hậu Phiêng Khoài là ngọt, màu sắc đỏ rực và phấn trắng dày. Từ những gốc mận 15-20 năm tuổi, HTX tỉa cành, giảm số lượng quả để chăm sóc kỹ hơn về dinh dưỡng, tạo ra những trái to, ngon, kích cỡ 14-20 quả/kg; cũng vì vậy hình thành ý tưởng xây dựng thương hiệu “Mận Ruby”.
Hiện nay, HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu có 30,5 ha được cấp mã vùng trồng chuyên sản xuất sản phẩm mận Ruby để cung cấp vào các siêu thị, trung tâm thương mại toàn quốc và xuất khẩu. Vụ mận vừa qua, HTX là đơn vị đầu tiên của tỉnh đưa 10 tấn mận vào thị trường một số nước EU: Anh, Pháp, Đức, Cộng hòa Séc. Với mẫu mã đẹp, chất lượng cao, mỗi kg quả mận Ruby có giá bán từ 70.000-120.000 đồng tùy kích cỡ. Năm 2024, mận Ruby của HTX đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.
Với HTX Kiên Cường, bản Cồn Huốt 1, xã Phiêng Khoài có 89 ha mận hậu sản xuất theo hướng hữu cơ và VietGAP. HTX yêu cầu các thành viên tuân thủ kỹ thuật trồng, chăm sóc mận theo tiêu chuẩn, ghi chép nhật ký sản xuất, tác động một số biện pháp kỹ thuật trong rải vụ. Vài năm trở lại đây, thời tiết có nhiều bất lợi, nhưng nhờ chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đúng thời điểm, kết hợp với việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tự động tạo độ ẩm nên mận vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng. Mỗi năm, HTX thu hoạch, liên kết tiêu thụ gần 400 tấn quả với giá bán từ 20.000-40.000 đồng/kg mận chính vụ và 50.000-70.000 đồng/kg mận trái vụ; tổng doanh thu đạt hơn 4 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc HTX Kiên Cường, cho biết: HTX ứng dụng nhật ký điện tử, quản lý sản xuất bằng hệ thống camera giám sát tại vườn và đăng ký tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm mận. Đa số các hộ dân trong vùng sử dụng điện thoại thông minh điều khiển hệ thống nước tưới trong quá trình chăm sóc. Sản phẩm mận của HTX được kiểm nhận đảm bảo an toàn và chọn lựa đưa lên hệ thống suất ăn hàng không trong nước 2 năm liên tiếp và là 1 trong 3 HTX của huyện được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Mận hậu Sơn La”.
Gắn bó với người dân ở Phiêng Khoài từ lâu đời, các hộ dân trồng mận trong vùng đã học tập kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật trong chiết, ghép, sản xuất an toàn. Ngày 10/1/2025, toàn bộ vùng sản xuất mận của 7 HTX trên địa bàn xã Phiêng Khoài đã được UBND tỉnh công nhận là vùng ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, cho biết: Được sự quan tâm của các cấp, ngành, mận hậu Phiêng Khoài đã được giới thiệu, xúc tiến tham gia các chương trình kết nối nông sản, được người tiêu dùng biết tới và dần có thương hiệu, nhất là xây dựng thành công thương hiệu “mận Ruby” được thị trường đón nhận. Từ trồng mận, nhiều gia đình đã có thu nhập 250-300 triệu đồng, có hộ thu đến 2 tỷ đồng/vụ.
Việc công nhận vùng sản xuất mận hậu ứng dụng công nghệ cao xã Phiêng Khoài tạo tiền đề để nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm, giúp bà con đồng bào dân tộc tiếp tục gắn bó với cây mận, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!