Thanh long ruột đỏ vào vụ Tết

Những vườn thanh long sai trĩu quả, được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mai Sơn mang lại lợi nhuận cao. Dịp này, những quả thanh long ra trái vụ chuẩn được thu hái để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ đem lại nhiều niềm vui cho nông dân.

Giọng nữ

Cây thanh long ruột đỏ bén rẽ với mảnh đất Mai Sơn từ hàng chục năm nay, hợp khí hậu, hợp đất thanh long cho quả to, đẹp do năng suất cao, được khách hàng lựa chọn. Nhu cầu tiêu dùng của thị trường về loại quả này tăng cao nên diện tích cây thanh long ruột đỏ đã tăng cao.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 300 ha thanh long ruột đỏ, trong đó có 240 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trung bình đạt gần 2.600 tấn quả/năm, được trồng tập trung ở các xã: Chiềng Mung, Chiềng Ban, Nà Bó. Nhân dân các xã đã tăng cường đầu tư, chăm sóc theo hướng VietGAP, hữu cơ để cây cho năng suất, chất lượng cao hơn, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Người dân thôn Hoàng Văn Thụ, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, chăm sóc cây thanh long trái vụ.

Tại xã Chiềng Mung có gần 50 ha thanh long, sản lượng đạt gần 700 tấn quả/năm. Thanh long thường cho hoạch từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Nhưng giá bán tăng cao vào giáp tết, nên nhiều hộ dân đã nghiên cứu áp dụng kỹ thuật để chuyển sang trồng trái vụ.

Ông Nguyễn Văn Tài, xóm 1, thôn Hoàng Văn Thụ, xã Chiềng Mung, cho hay: Nhà tôi trồng 5.000 m2 thanh long từ năm 2017, gia đình đầu tư 500 triệu đồng/ha để làm cột bê tông, giàn sắt, cây giống, hệ thống tưới nước, phân bón, chăm sóc. Cùng với làm chính vụ, hằng năm, tôi còn sản xuất trái vụ nên vườn thanh long của gia đình cho thu hoạch gần như quanh năm, vì thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán nên nhu cầu người tiêu dùng cao hơn, giá bán cao gấp 1,5 lần so với chính vụ.

Cũng theo ông Tài, đến thời điểm này, quả thanh long đã bắt đầu chín đỏ, quả có trọng lượng từ 0,6 kg - 0,8 kg. Nếu trời nhiều nắng và không lạnh thì quả sẽ chín rộ và cho thu hoạch đúng dịp Tết. Cứ 1 ha thanh long chính vụ cho thu hoạch 45-50 tấn quả/năm, trung bình 20.000 đồng/kg thì doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng/ha. Diện tích trái vụ có giá cao hơn từ 28.000 đồng - 30.000 đồng/kg, với 5.000 m2 thanh long dự kiến sẽ cho thu hoạch 5 tấn quả đúng dịp Tết, thu nhập khoảng 150 triệu đồng. 

Người dân thôn Hoàng Văn Thụ, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, chăm sóc thanh long trái vụ.

Cũng tại xóm 1, thôn Hoàng Văn Thụ, vừa chăm sóc những quả thanh long sắp cho thu hoạch, anh Mai Văn Thăng vừa thông tin cho chúng tôi: Gia đình có 3.000 m2 trồng từ năm 2018, sau khi sản xuất chính vụ, tôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cây tiếp tục ra trái vụ và thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán, sau rằm tháng Giêng. Quả trái vụ có giá bán cao hơn, đem lại lợi nhuận cũng cao hơn. Từ nay đến rằm tháng Giêng, gia đình tôi thu hoạch khoảng 2 tấn quả.

Không chỉ ở Chiềng Mung, nhân dân xã Chiềng Ban cũng đang tập trung chăm sóc hơn 12 ha thanh long ruột đỏ trái vụ để kịp thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Anh Hoàng Văn Kiên, bản Phiêng Quài Tong Chinh, cho biết: Tôi bắt đầu trồng 1 ha thanh long từ năm 2021, năng suất trung bình đạt 45 tấn/năm, thu nhập gần 700 triệu đồng/năm. Để chuẩn bị cho lứa thanh long bán dịp Tết, cách đây gần 2 tháng, tôi đã áp dụng kỹ thuật để ép cây ra hoa trái vụ. Khi thanh long bắt đầu đậu quả thì việc chăm sóc, tưới nước được thực hiện thường xuyên. Quá trình chăm sóc đòi hỏi rất cẩn thận, phải bón loại phân phù hợp cho cây với tỷ lệ hợp lý, thì cây sẽ cho quả đẹp và đảm bảo chất lượng. 

Vườn cây thanh long của ông Nguyễn Văn Tài, xóm 1, thôn Hoàng Văn Thụ, xã Chiềng Mung, là một trong những vườn được nhiều người biết đến, bởi ông đã làm chủ được kỹ thuật trồng, chăm sóc, cây cho quả to, mẫu mã đẹp, ăn ngọt hơn so với những nơi trồng khác. Vì vậy, vườn cây thanh long của gia đình ông luôn có khách đặt hàng trước mà không phải mang đi bán.

Là khách hàng thường xuyên mua hàng của ông Nguyễn Văn Tài, chị Trần Thị Hương, Chủ đại lý hoa quả tại Hà Nội, cho biết: Nhiều năm nay, tôi là khách hàng của gia đình ông Tài. Lúc đầu tôi không nghĩ ở đây trồng được cây thanh long, nên tôi đã lên tận nơi để kiểm tra mẫu mã, chất lượng. Cứ đến kỳ thu hoạch, ông Tài đóng gói hàng cẩn thận gửi về, khách hàng rất yên tâm. 

Nhân dân xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, chăm sóc cây thanh long trái vụ.

Đến thời điểm này, nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đang chuẩn bị đón những chuyến thanh long ruột đỏ của huyện Mai Sơn đã được đặt từ trước. Với việc làm chủ kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây thanh long huyện cho quả năng suất cao, đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Cây thanh long ruột đỏ đang là một trong những cây trồng phát triển theo hướng bền vững, tạo việc làm, đem lại thu nhập cao cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới