Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, giúp hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đưa Chỉ thị vào cuộc sống
Ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung chỉ thị. Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng; đối chiếu, phân loại nợ vay của khách hàng; củng cố hoạt động của các đơn vị ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao chất lượng tín dụng, huy động vốn, đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện thường xuyên được kiện toàn, với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội; chỉ đạo NHCSXH phối hợp với UBND các xã, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội rà soát đối tượng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm căn cứ phê duyệt cho vay đúng đối tượng.
Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, thông tin: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, huyện đã phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị, thành viên là chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Hằng quý, Ban đại diện tổ chức giao ban, kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn; chỉ đạo chính quyền xã, các hội đoàn thể phối hợp với ngân hàng triển khai kế hoạch phân bổ vốn, bình xét, phê duyệt hộ vay, kiểm tra giám sát theo quy trình chặt chẽ nhưng thuận tiện trong việc thực hiện chính sách tín dụng.
Từ 13 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ gần 183 tỷ đồng năm 2014, đến nay, đã tăng lên 15 chương trình, tổng dư nợ 463 tỷ đồng, giúp trên 17 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của huyện Bắc Yên được vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 28,8%.
Điểm nổi bật trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW là bổ sung đồng chí chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện. Tại các xã, phường, thị trấn đều tạo điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí địa điểm, điều kiện, thời gian làm việc cho NHCSXH cấp huyện thực hiện giao dịch.
Ông Lê Xuân Tuyền, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thuận Châu, thông tin: Việc bổ sung đồng chí chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, giúp việc triển khai tín dụng chính sách xã hội và việc bình xét cho vay đảm bảo minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng vốn vay, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của hộ vay. Việc rà soát đối tượng thụ hưởng cũng được địa phương quan tâm thực hiện từ thôn, bản, tiểu khu, từ đó dư nợ tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.
Đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn huyện Thuận Châu đạt trên 815 đồng, tăng 173% so với năm 2014; nợ quá hạn chiếm 0,04% tổng dư nợ; tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 98%, tăng 15% so với năm 2014; chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã đạt 100%, tăng 25% so với năm 2014.
Tiếp sức để người dân vươn lên
Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11%; được triển khai rộng khắp, tiếp sức cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đến nay, tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương gần 233 tỷ đồng, chiếm 3,5%/tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH, tăng 297% so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh gần 150 tỷ đồng; nguồn ngân sách cấp huyện, thành phố 83 tỷ đồng.
Gia đình anh Mùa A Nhà, sinh năm 1995, tại bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2020, anh Nhà được cán bộ NHCSXH huyện, Hội Cựu chiến binh xã bình xét cho vay 100 triệu đồng, cùng với số tiền vay mượn thêm anh em họ hàng để đầu tư làm mô hình homestay, nhờ đó, gia đình anh có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Anh Mùa A Nhà cho biết: Hiện nay, gia đình tôi có 1 phòng nghỉ cộng đồng, 2 phòng nghỉ đơn, đáp ứng khoảng 30 người/ngày. Ngoài ra, gia đình còn phục vụ ẩm thực và trải nghiệm hái mận hậu tại vườn... Bình quân mỗi năm, cho thu nhập trên 120 triệu đồng, giúp gia đình có điều kiện sắm sửa và nuôi các con ăn học.
Còn tại huyện Sông Mã, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, giúp Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã phát triển thành công mô hình trồng nho hạ đen. Ông Trần Ngọc Vượng, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Tháng 4/2020, Công ty được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Mã tạo điều kiện vay 800 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư làm 5.000 m² nhà lưới và mua giống nho hạ đen về trồng. Sau 7 tháng trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây nho đã cho thu hoạch và được người tiêu dùng đón nhận. Đến nay, vườn nho của Công ty đã phát triển lên 2.000 cây, tổng thu nhập đạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, từ nguồn vốn vay ưu đãi, đã có trên 705.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn, giúp trên 128.000 hộ vươn lên thoát nghèo; góp phần trang trải chi phí học tập cho trên 19.000 học sinh, sinh viên; thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho trên 70.000 lao động; xây dựng trên 26.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách... Đây là nguồn lực góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh, đạt chỉ tiêu tỷ lệ giảm nghèo hàng năm trên 3%/năm.
Nâng cao chất lượng tín dụng
Tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025) và chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021-2030), ngày 10/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, yêu cầu các địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Linh hoạt trong hình thức huy động vốn, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Sơn La đã triển khai "Ngày hội gửi tiền tiết kiệm, chung tay vì người nghèo”, huy động nguồn vốn nhàn rỗi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh mở 4.681 sổ tiết kiệm, với tổng số trên 102 tỷ đồng, giúp hàng nghìn thanh niên nông thôn có vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Ông Hoàng Xuân Trường, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Ngân hàng tiếp tục phối hợp nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước về chính sách tín dụng đến nhân dân. Tham mưu cho cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15% tổng nguồn vốn và bố trí, huy động nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn, phấn đấu không có tổ hoạt động yếu.
Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh có những bứt phá mới, trách nhiệm và sức mạnh của hệ thống chính trị được phát huy; quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là ở vùng nông thôn và là một trong những đòn bẩy giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!