Năm 2025, tỉnh Sơn La được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8% trở lên, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030, hướng đến tăng trưởng kinh tế hai con số từ giai đoạn 2026-2030. Phóng viên Báo Sơn La phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tài chính - cơ quan chủ trì tham mưu UBND tỉnh về xây dựng kịch bản tăng trưởng. Trân trọng thông tin tới bạn đọc!
-van-hanh-san-xuat-dien(1).jpg)
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng của tỉnh Sơn La năm 2025 đạt 8% trở lên theo Chính phủ giao nhiệm vụ?
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tài chính: Sở Tài chính đã rà soát, báo cáo UBND tỉnh các nguồn lực, động lực, năng lực mới cho tăng trưởng, xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2025; báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 8% tại Nghị quyết số 457/NQ-HĐND ngày 20/2/2025. Cụ thể: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 8%. GRDP bình quân đầu người đạt 61,8 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm 29%; dịch vụ chiếm 42%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6%. Quy mô GRDP đạt khoảng 82.789 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 23.000 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt 21.532 tỷ đồng, trong đó, thu ngân sách trên địa bàn (thu nội địa) đạt 4.500 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương đạt 21.218 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 100,5% so với năm trước. Xuất khẩu hàng hóa đạt 215 triệu USD; nhập khẩu hàng hóa đạt 15 triệu USD...
Phóng viên: Những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tài chính: Về thuận lợi, thời cơ: Tư duy chiến lược, tầm nhìn phát triển về kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc; sự thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, cách mạng và toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế; sự kế thừa, phát huy mạnh mẽ kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của cả nước, của tỉnh; cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại nhờ việc quan tâm đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ...
Khó khăn, thách thức, là tình hình thế giới dự báo diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, rủi ro gia tăng; các nước lớn gia tăng hàng rào thương mại, thuế quan; quy mô và sức cạnh tranh các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế còn yếu; một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, đời sống nhân dân khó khăn, một bộ phận người dân có khả năng tái nghèo; thời tiết cực đoan, hạn hán, lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp… ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Phóng viên: Những ngành trọng điểm sẽ góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng của tỉnh?
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tài chính: Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 8%, cần có sự nỗ lực phấn đấu ở 3 khu vực, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực dịch vụ cần bứt phá mạnh mẽ. Cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năm 2025, phấn đấu tăng trưởng khoảng 7%. Dự báo, thời tiết khí hậu thuận lợi hơn năm 2024, một số diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp tăng năng suất, sản lượng. Đồng thời, người dân, HTX tăng diện tích ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất, sản lượng, sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm nông sản.
Khu vực công nghiệp - xây dựng dự kiến tăng 6,6% so với năm 2024, trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện dự kiến duy trì giữ mức bằng năm 2024, sản lượng điện sản xuất ước đạt khoảng 13.500 triệu kWh; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2% so với năm 2024; ngành xây dựng phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao, khoảng 20,1% trên cơ sở thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư (vốn đầu tư công được giao trong năm 2025 đạt 6.301 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2024). Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tỉnh Sơn La; một số dự án thu hút đầu tư được phê duyệt đang triển khai, phấn đấu đưa vào hoạt động năm 2025: Nhà máy sữa công nghệ cao Mộc Châu hoàn thành giai đoạn I; hoàn thành hạng mục Trang trại sinh thái bò sữa công nghệ cao Mộc Châu; nhà máy chế biến chè của Vinatea…
Khu vực dịch vụ, dự báo tốc độ tăng trưởng khoảng 9,5%. Trong đó, dự báo tất cả các ngành trong khu vực dịch vụ cải thiện; hoạt động du lịch dự kiến phát triển, có mức tăng trưởng cao, tổng lượt khách du lịch đạt khoảng 5,3 triệu lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 6.300 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh bất động sản phục hồi và sôi động. Năm 2025, xác định là năm chuyển đổi số, nên các dịch vụ thông tin và truyền thông sẽ tăng trưởng cao hơn những năm trước...

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, những giải pháp thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng của tỉnh năm 2025 đạt 8% trở lên?
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tài chính: Sở Tài chính tham mưu xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2025 theo từng quý, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Trong đó, tập trung đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, bám sát thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ. Đối với cải cách tổ chức, bộ máy, triển khai quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, phấn đấu đạt 100% kế hoạch năm 2025; hình thành các động lực tăng trưởng mới, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng; phát triển các vùng động lực, đô thị, hạt nhân tăng trưởng của địa phương. Tập trung nguồn lực phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu theo hướng đồng bộ, phát triển sản phẩm du lịch. Thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn, khu công nghiệp Vân Hồ; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản tập trung quy mô lớn, công nghiệp sạch, các dự án công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Phát triển các trung tâm logistics tại khu vực Mai Sơn - thành phố Sơn La, Mộc Châu - Vân Hồ và khu kinh tế cửa khẩu Lóng Sập. Khuyến khích các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch: Điện gió, điện sinh khối, điện tích năng… Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số và duy trì các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao...
Mở rộng thị trường và thúc đẩy tiêu dùng: Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản thế mạnh của tỉnh. Tổ chức chương trình thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử, các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới với các nước trong khu vực, thị trường xuất khẩu trọng điểm, tiềm năng. Phấn đấu tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh đạt 215 triệu USD, tăng 8,35% so với năm 2024. Trong đó, sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 208 triệu USD, tăng 9,22% so với năm 2024.
Với các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự nỗ lực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, mỗi người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, là động lực để tỉnh Sơn La thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!