Thời điểm này, vựa nhãn ở Sông Mã đã hoàn thành việc thu hoạch, các HTX, chủ vườn đang tập trung chăm sóc, phục hồi cây, tránh tình trạng “năm ăn quả, năm trả cành”, từng bước hướng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững.
Có mặt tại vườn nhãn của gia đình anh Phạm Tiến Đạt, xã Nà Nghịu, đúng lúc anh cắt tỉa và chăm bón các cây nhãn vừa thu hoạch. Anh Đạt cho biết: Gia đình tôi có hơn 10 ha nhãn, chủ yếu là giống nhãn T6 (chín sớm) và nhãn miền thiết. Theo kinh nghiệm nhiều năm sản xuất, ngay sau thu hoạch quả, gia đình tôi tiến hành tỉa cành, tạo tán, chăm sóc để cây phục hồi. Theo đó, tiến hành cắt tỉa trong tán trước, ngoài tán sau, cắt cành lớn trước, cành bé sau. Việc cắt tỉa bớt cành sẽ tạo cho cây độ thông thoáng để tập trung dinh dưỡng nuôi cành thụ lộc, giảm khả năng lưu trú của sâu bệnh.
Tại xã Chiềng Khoong, ngay sau khi hoàn thành thu hoạch nhãn, người dân xã Chiềng Khoong tập trung chăm sóc cây nhãn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo cho vụ nhãn năm sau đạt kết quả cao. Anh Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong, cho biết: Xã có hơn 1.200 ha cây ăn quả, trong đó trên 800 ha nhãn. Hằng năm, xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn theo dõi, đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng; hướng dẫn nông dân quy trình làm cỏ, bón phân, cắt tỉa cành, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh để cây nhãn phục hồi, phát triển tốt. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây nhãn cho nông dân.
Hiện nay, huyện Sông Mã có trên 7.500 ha nhãn, trong đó, hơn 6.800 ha đang cho thu hoạch với sản lượng trung bình đạt 70.000 tấn quả/năm. Những năm qua, huyện tổ chức quy hoạch, phát triển vùng nhãn theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp thâm canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đưa các loại giống mới có chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ... Đến nay, huyện đã được cấp 46 mã số vùng trồng, với tổng diện tích trên 452 ha, sản lượng 4.511 tấn; trong đó có 12 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ; 21 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 13 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand. Tập trung ở các xã: Chiềng Khương, Mường Hung, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu.
HTX Tân Thịnh, xã Mường Sai, có 40 ha cây ăn quả, trong đó 30 ha trồng theo quy trình VietGAP, sản lượng trên 300 tấn/năm. Cuối tháng 8, toàn bộ diện tích nhãn chính vụ của HTX thu hoạch xong. Ông Lò Văn Huỳnh, Giám đốc HTX, thông tin: Quá trình chăm sóc phải dựa vào đặc điểm, giai đoạn để tiến hành các quy trình phù hợp. Thời điểm này, ngoài việc tỉa cành, các thành viên đang tập trung làm đất, bón phân. Tùy theo độ tuổi của cây để có lượng phân bón phù hợp. Tiếp theo đó, từ tháng 10 -11, khi cây ra lộc, cắt tỉa bớt cành lộc và xử lý ra hoa; tháng 12 đến tháng 1 năm sau, tập trung làm sạch cỏ xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng và sâu bệnh gây hại, tạo cho cây ra hoa và đậu quả tốt nhất.
Việc chăm sóc cây nhãn sau thu hoạch là việc làm quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng quả nhãn vụ tiếp theo. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, cho biết: Từ giữa tháng 8, đơn vị đã chủ động phối hợp với các xã, đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn cho người dân cách chăm bón, theo dõi tình hình sinh trưởng của các loại cây ăn quả, trong đó có cây nhãn. Đồng thời, tiến hành phun các loại thuốc chuyên dùng theo đúng hướng dẫn khi cây xuất hiện sâu bệnh hại, nhất là các khu vực có sản phẩm nhãn được cấp chỉ dẫn địa lý và ứng dụng công nghệ cao.
Với sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và ý thức của nhân dân trong việc chăm sóc cây nhãn theo quy trình kỹ thuật, đã và đang giúp diện tích cây nhãn của huyện Sông Mã phát triển tốt, hứa hẹn đem lại những mùa nhãn bội thu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!