Những năm qua, huyện Thuận Châu đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tăng quy mô đàn; chăn nuôi tập trung quy mô gia trại, trang trại, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Huyện ưu tiên bố trí, lồng ghép các nguồn vốn triển khai các chương trình, mô hình dự án; khuyến khích liên kết, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn theo chuỗi. Các tổ chức đoàn thể làm tốt việc nhận ủy thác vốn vay, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên có vốn đầu tư phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi. Tăng cường quản lý lĩnh vực thú y, cung cấp các loại vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, gồm 61.690 con trâu, bò; gần 72.550 con lợn và trên 736.700 con gia cầm; duy trì hơn 1.000 ha trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.
Ông Quàng Văn Diêu, bản Hua Nà, xã Tông Lạnh, chia sẻ: Nhiều năm trước, gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi theo hình thức chăn thả, vật nuôi hay bị bệnh. Được hướng dẫn, tuyên truyền, gia đình đã xây dựng chuồng trại nuôi nhốt gia súc; trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi. Trung bình mỗi năm xuất chuồng 2 con bò, thu lãi 40 triệu đồng.
Không chỉ ông Diêu mà nhiều hộ dân ở xã Tông Lạnh cũng đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Đây là hướng đi giúp người dân trong xã nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn xã có gần 2.080 con trâu, bò; 30.000 con gia cầm; 89% số chuồng trại đảm bảo vệ sinh; duy trì 20 ha cỏ voi. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 7,65%.
Tại xã Phổng Lăng, các hộ chăn nuôi được tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi từ chăn thả sang nuôi nhốt, vỗ béo cung cấp cho thị trường; xây dựng chuồng trại đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông; kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi; trồng cỏ voi, trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi. Các tổ chức, đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên, đoàn viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, với tổng dư nợ trên 60 tỷ đồng.
Đầu năm 2024, tại bản Pùa, xã Bản Lầm, xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng trâu bò, làm chết 7 con bò của 6 hộ dân, với tổng trọng lượng 810 kg. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân theo dõi sát đàn vật nuôi; cấp 36 lít hóa chất, vôi bột cho các hộ dân khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại. Đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát và khống chế.
Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Tránh tình trạng dịch bệnh lây lan, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc; quản lý giống vật nuôi, hành nghề, buôn bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện. Đang là thời điểm giao mùa, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm rất cao. Vì vậy, đơn vị khuyến cáo nông dân cần chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ đàn vật nuôi.
Huyện Thuận Châu đang thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào chăn nuôi; vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ cải tạo con giống; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về chăn nuôi mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, đưa ngành chăn nuôi của huyện phát triển bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!