Ngày 28,6 Hội Khoa học Kinh tế tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội thảo về sự phát triển chăn nuôi gia súc trở thành ngành sản xuất chính của tỉnh Sơn La.
Quang cảnh Hội thảo.
Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn hộ chăn nuôi theo hướng nuôi nhốt chuồng, trồng cỏ cho gia súc, mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, huyện Mai Sơn đã đề ra chủ trương “Phát động phong trào trồng cỏ hàng hóa gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ theo hướng tập trung, hiệu quả” đã triển khai ở 9 xã; huyện Phù Yên có 9 bản ở xã Huy Hạ tham gia trồng 10 ha đất bỏ hoang kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, cỏ VA06 làm thức ăn cho bò, vận động 11 lượt hộ vay trên 5 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống, thức ăn; toàn xã đã phát triển lên 1.200 con bò theo phương pháp nhốt chuồng, nhiều hộ đã có thu nhập từ 100 đến trên 400 triệu đồng/năm. Huyện Sông Mã có mô hình nuôi bò sinh sản nhốt chuồng trên nền đệm sinh học. Xã Phổng Lái, Tông Cọ, huyện Thuận Châu, nhiều hộ đã nuôi bò nhốt chuồng cách xa khu dân cư cho thu nhập cao... Những mô hình này đã khẳng định tính vượt trội so với chăn nuôi truyền thống cả về thu nhập và hiệu quả trên nhiều mặt. Tuy nhiên, so với tiềm năng và thế mạnh của Sơn La, chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ của toàn tỉnh theo phương pháp mới còn khiêm tốn, chưa bền vững. Hiện nay, tỉnh ta chưa có hộ chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ nào đạt tiêu chuẩn hộ trang trại chăn nuôi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận đề xuất các giải pháp “Phấn đấu để ngành chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ của tỉnh phát triển trở thành một sản phẩm hàng hóa chủ yếu với chất lượng cao và sản lượng nhiều trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân tỉnh ta”. Theo đó, đã có 16 báo cáo tham luận được các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo. Các đại biểu cho rằng, tỉnh cần có đề án chuyên đề về phát triển chăn nuôi nói chung, trong đó có chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ nói riêng, phấn đấu để Sơn La có thêm một trung tâm chăn nuôi gia súc nhốt chuồng lớn nhất của các tỉnh vùng Tây Bắc; xây dựng chuỗi giá trị tuần hoàn khép kín trong chăn nuôi và chế biến sản phẩm từ đại gia súc gắn kết từ sản xuất đến tiêu dùng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển chuỗi giá trị sản phẩm gia súc ăn cỏ theo hướng công nghệ cao; cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ để chăn nuôi phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, xóa đói nghèo...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!