Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Những bến thuyền ven sông Đà

Trên dòng sông Đà, từ xã Pắc Ngà đến xã Chiềng Sại thuộc địa phận huyện Bắc Yên, dài hơn 70 km đang có 12 bến thuyền được mở ra để phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Những ngày cuối năm, các bến thuyền này hoạt động nhộn nhịp hơn với nhiều phương tiện vận chuyển trên bộ, và các loại tàu, thuyền ra vào bến giao thương hàng hóa.

Vận chuyển hàng hóa tại bến thuyền xã Chiềng Sại, huyện Bắc Yên.

Vào cuối mùa mưa, lòng hồ sông Đà bắt đầu tích nước, mặt hồ rộng lớn mênh mông thuận tiện cho người dân phía thượng lưu các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu giao thương, vận chuyển hàng hóa. Đối với người dân các xã dọc sông của huyện Bắc Yên, gồm Pắc Ngà, Chim Vàn, Song Pe, Tạ Khoa, Chiềng Sại, Phiêng Côn, khi nước sông dâng cũng là thời điểm các hộ dân bước vào vụ mùa thu hoạch các loại nông sản, như: Ngô, khoai, sắn, chuối... nên việc vận chuyển bằng đường thủy nhộn nhịp hơn do hệ thống đường bộ của các xã này còn nhiều khó khăn.

Thuyền vận chuyển hàng hóa tại bến Sập Việt, xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên.

Xã Tạ Khoa hiện có 1.500 ha sắn, hơn 100 ha ngô và gần 200 ha chuối, chủ yếu trồng dọc theo dòng sông Đà, thuộc các bản: Tà Đò, Nhạn Nọc, Sập Việt, mỗi năm thu hoạch khoảng 5.000 tấn nông sản, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Việc thu hoạch và vận chuyển nông sản bán cho các thương lái đúng vào mùa nước dâng cao nên rất thuận lợi.

Là hộ có diện tích trồng chuối nhiều nhất xã, anh Mùi Văn Phương, bản Sập Việt, xã Tạ Khoa, cho biết: Nhà tôi trồng gần 3 ha chuối, mỗi năm thu hoạch vài chục tấn quả; cứ chặt rồi vận chuyển xuôi xuống thuyền nên rất thuận tiện; vận chuyển bằng đường sông vừa nhanh chóng, giá cước cũng rẻ hơn so với vận chuyển bằng đường bộ, mà chuối không bị dập nát.

Tại xã Song Pe, người dân các bản Ngậm, bản Chanh hầu hết trồng ngô, sắn. Nông sản và hàng hóa của người dân chủ yếu vận chuyển bằng đường sông. Anh Đinh Văn Hà, bản Ngậm, cho biết: Các bản dọc sông Đà của chúng tôi không có đường ô tô đến nơi. Cứ đến mùa thu hoạch ngô, sắn, các thuyền của thương lái đến thu mua tại các bến nên nông sản chúng tôi làm ra đều được tiêu thụ hết, giá cả cũng không chênh lệch nhiều với những nơi khác.

Là chủ thuyền chuyên vận chuyển hàng hóa ven sông từ mấy năm nay, anh Đinh Văn Bang, xã Chiềng Sại, nắm khá chắc sản lượng nông sản cũng như nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân các xã dọc theo dòng sông Đà. Anh cho biết: Ngày trước, tôi có thuyền chở khách, nhưng mấy năm gần đây chuyển sang đầu tư thuyền to hơn để vận chuyển hàng hóa. Chiếc thuyền này trọng tải 50 tấn, tôi đầu tư gần một tỷ đồng để vận chuyển hàng hóa. Đến mùa thu hoạch nông sản, thuyền của tôi luôn hoạt động hết công suất. Nếu không vận chuyển thuê thì tôi lại đi thu mua nông sản của người dân các xã dọc sông. Còn nếu hết mùa thu hoạch, tôi lại đi vận chuyển các loại hàng hóa khác nên cũng đủ chi tiêu cho cuộc sống gia đình.

Các thuyền vận chuyển hàng hóa tại bền thuyền xã Chiềng Sại.

Sông Đà là tuyến giao thông đường thủy quan trọng của các xã vùng sông của huyện Bắc Yên, với 12 bến đò hoạt động (4 bến chính, 8 bến phụ) và 215 thuyền (65 thuyền chở khách, 150 thuyền dân sinh từ 10 tấn – 80 tấn chở hàng). Các bến đò dọc sông Đà hầu hết là bến tạm, chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, cùng với đó mực nước thất thường vào mùa mưa nên việc đi của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn.

Để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện, Ban ATGT huyện Bắc Yên đã triển khai nhiều các giải pháp về ATGT đường thủy phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; phối hợp với các cơ quan chức năng và các xã thường xuyên kiểm tra, quản lý các phương tiện và hoạt động an toàn giao thông đường thủy; nhắc nhở các chủ thuyền thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa; tổ chức ký cam kết đảm bảo các biện pháp an toàn, như: Thuyền bảo đảm chất lượng, trên thuyền được trang bị áo phao, phao cứu sinh, không chở quá số người quy định...

Dòng sông Đà không chỉ là tuyến giao thông đường thủy quan trọng của người dân các xã khu vực ven sông, mà còn đang thúc đẩy phát triển du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. 

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới