Nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La”

Nhiệm vụ khoa học xây dựng mô hình khai thác hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” vừa được Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đánh giá đạt loại khá. Đây là cơ sở thực tiễn và bài học kinh nghiệm để các tổ chức, cá nhân tiếp tục khai thác nhãn hiệu cộng đồng cho sản phẩm cá sông Đà nói riêng và các sản phẩm đã được xây dựng nhãn hiệu của tỉnh Sơn La nói chung.

Giọng nữ

Công trình thủy điện Sơn La hoàn thành, đã tạo ra diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà rộng khoảng 25.000 ha. Khai thác lợi thế này, các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu đã đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng thương phẩm. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá nuôi trên lòng hồ sông Đà. Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “Cá sông Đà Sơn La” cho tỉnh Sơn La. Sản phẩm bảo hộ gồm 7 loại cá, gồm: Chép, trắm đen, trắm cỏ, lăng, nheo, rô phi, diêu hồng. Khu vực địa lý tương ứng với sản phẩm được bảo hộ gồm 18 xã, thị trấn; trong đó, có 9 xã huyện Quỳnh Nhai, 2 xã huyện Thuận Châu, 7 xã, thị trấn của huyện Mường La. Nhãn hiệu được bảo hộ là công cụ tốt để giúp bảo vệ danh tiếng, uy tín cho sản phẩm cá được nuôi và đánh bắt trên khu vực vùng hồ Thủy điện Sơn La.

Nhóm thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tại HTX thủy sản An Bình, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai.

Ngay sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” cho 13 tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, thực trạng khai thác nhãn hiệu chứng nhận này sau khi được bảo hộ còn gặp nhiều khó khăn, một số HTX đã được trao quyền sử dụng đã dừng hoạt động, các HTX còn hoạt động nhưng khai thác chưa hiệu quả; một số HTX có nhu cầu chưa được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; chuỗi cung ứng cá sông Đà Sơn La mang nhãn hiệu chứng nhận vận hành chưa ổn định, chưa khai thác thương mại sản phẩm…

Trước thực tế đó, năm 2022, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiệm vụ xây dựng mô hình khai thác hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” phục vụ xây dựng nông thôn mới, thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; nhiệm vụ do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp, thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam chủ trì; Thạc sĩ Bùi Quang Duẩn, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, là chủ nhiệm nhiệm vụ.

Cán bộ thực hiện nhiệm vụ trao đổi về việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tại HTX thủy sản Hồ Quỳnh, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai.

Quá trình triển khai nhiệm vụ, nhóm thực hiện đã tổ chức các hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La”. Trong đó, xác định được các khó khăn và đề xuất được nhiều giải pháp phát triển, như: Dịch vụ đầu vào cho sản xuất, giải pháp về tổ chức sản xuất nhằm củng cố năng lực các HTX, xây dựng kế hoạch sản xuất, quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, sản xuất gắn với đảm bảo môi trường; giải pháp xúc tiến thương mại và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể HTX.

Thạc sĩ Bùi Quang Duẩn, Chủ nhiệm nhiệm vụ, chia sẻ: Từ khi bắt đầu triển khai đến nay, thông qua các hoạt động của nhiệm vụ, chúng tôi đã hỗ trợ, cung cấp các kiến thức về xây dựng và phát triển thị trường cho sản phẩm kết nối các kênh tiêu thụ. Ngoài ra, chúng tôi cùng các HTX tổ chức kế hoạch sản xuất để đưa các sản phẩm cá có lợi thế nhất của vùng lòng hồ sông Đà đến với thị trường trong nước.

Đến nay, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã xây dựng thành công mô hình khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La”, thông qua việc trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho 5 HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đủ điều kiện; trong đó lựa chọn được 3 HTX tại huyện Quỳnh Nhai tham gia mô hình gồm: HTX thủy sản Hồ Quỳnh, xã Chiềng Ơn; HTX thủy sản xã Chiềng Khoang và HTX thủy sản An Bình, xã Chiềng Bằng.

Mô hình nuôi cá lồng của HTX thủy sản An Bình, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai.

Ông Lò Văn An, Giám đốc HTX thủy sản An Bình, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, cho biết: HTX được nhóm thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn triển khai các hoạt động tư vấn khai thác nhãn hiệu chứng nhận, như áp dụng các văn bản quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu chủng loại, sản lượng, thời vụ thu hoạch để thiết lập kênh cung cấp thông tin cho đối tác tiêu thụ; sử dụng tem truy xuất thông tin sản phẩm; xây dựng, kết nối kênh thương mại, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên HTX, đây là cơ sở quan trọng để HTX nâng cao hiệu quả từ nghề nuôi cá lồng.

Bà Điêu Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Việc phát huy hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận cá sông Đà trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai nói chung và đối với xã Chiềng Bằng nói riêng sẽ tạo thuận lợi để nghề nuôi cá lồng trên địa bàn xã ngày càng phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội cho sản phẩm cá sông Đà của các HTX trên địa bàn xã mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chú trọng quảng bá thương hiệu, nhóm triển khai nhiệm vụ đã xây dựng trang Fanpage Facebook quảng bá nhãn hiệu với nội dung và hình thức phong phú, hấp dẫn; thiết kế và in 60.0000 tem truy xuất thông tin sản phẩm, 300 cuốn cẩm nang giới thiệu về HTX và sản phẩm, 1.500 tờ rơi giới thiệu về quy trình kỹ thuật nuôi cá. Đến nay, các sản phẩm đã được bàn giao cho các HTX sử dụng phục vụ kết nối các kênh tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc; quảng bá, giới thiệu và hỗ trợ kết nối kênh tiêu thụ cho sản phẩm.

Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh họp xét, đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ xây dựng mô hình khai thác hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng thành công mô hình khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” đã giúp các chủ thể là HTX tham gia mô hình kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Cung cấp cơ sở thực tiễn và bài học kinh nghiệm để các tổ chức, cá nhân tiếp tục khai thác nhãn hiệu cộng đồng một cách hiệu quả giúp cho các sản phẩm nông nghiệp làm ra có được chỗ đứng và mở rộng thị trường.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới