Với hướng đi đúng và những giải pháp đồng bộ, linh hoạt trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Mường La đã tạo dấu ấn trong phát triển cây ăn quả. Sản lượng và chất lượng trái cây ngày càng được nâng cao, mang lại kinh tế cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
![](https://media.baosonla.org.vn/public/linhlv/2025-02-10/img_1964.jpg)
Đến xã Pi Toong, trên khắp sườn đồi dần được thay thế bằng vườn cây trái xanh tốt. Bám sát các chủ trương định hướng của tỉnh và huyện, xã Pi Toong đã chủ động, tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc. Từ năm 2021 đến nay, nông dân xã Pi Toong đã cải tạo những vườn nhãn, xoài, vải năng suất thấp sang các giống cây trồng mới, như xoài GL4, vải thiều, nhãn, táo... Ông Lường Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Đến nay, diện tích cây ăn quả của toàn xã đạt gần 350 ha, tăng hơn 60 ha so với năm 2021; một số hộ trồng cây ăn quả đã chủ động liên kết với các hợp tác xã xây dựng kênh tiêu thụ sản phẩm quả tươi.
Bà Lường Thị Xiến, bản Lúa Trò, xã Pi Toong, cho biết: Trước đây, gia đình có 2 ha nhãn, vải. Do giống cây cũ và trồng lâu năm, nên năng suất thấp. Từ năm 2017, sau khi được tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật, gia đình tôi đã ghép cải tạo vườn tạp, trồng mới 0,5 ha nhãn lồng giống Hưng Yên và xoài Thái. Hiện nay, năng suất vườn cây đã tăng gấp đôi so với trước, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Còn tại xã Mường Bú, nông dân đang trồng trên 1.900 ha cây ăn quả các loại, sản lượng trên 13.600 tấn quả/năm. Ông Cà Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Toàn xã đang có 7 HTX trồng chăm sóc cây ăn quả các loại; đã xây dựng 3 chuỗi quả an toàn; có 400 ha cây ăn quả các loại được cấp chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn khác; xã được cấp 21 mã số vùng trồng xuất khẩu xoài, nhãn, chuối, táo đại, với hơn 550 ha. Năm 2024, xuất khẩu 800 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc.
Thành lập năm 2021, HTX Nông nghiệp Minh Thương, tiểu khu II, xã Mường Bú, nhanh chóng phát triển trở thành 1 trong 3 HTX trên địa bàn xã có chuỗi cung ứng quả an toàn, với vùng canh tác 34 ha nhãn, xoài, mít và táo đại. Ông Lò Văn Thương, Giám đốc HTX chia sẻ: Năm 2024, HTX thu hoạch trên 200 tấn quả tươi, cung cấp nguyên liệu cho các công ty chế biến thực phẩm, duy trì các kênh phân phối trong nước và hợp tác xuất khẩu quả sang thị trường Trung Quốc, với doanh thu trên 1,3 tỷ đồng.
![](https://media.baosonla.org.vn/public/linhlv/2025-02-10/img_1038.jpeg)
Với định hướng phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, Đảng bộ huyện Mường La ban hành nghị quyết về phát triển nông nghiệp xanh trên địa bàn. Chỉ đạo UBND huyện, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phát huy trồng cây ăn quả theo hướng thế mạnh của từng vùng, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.
Điểm nhấn, dự án “Bảo quản, chế biến và sản xuất các sản phẩm nông sản” tại bản Cứp, xã Mường Bú, do Công ty CP Musa Green đầu tư, tổng vốn thực hiện 15 tỷ đồng đã hoàn thành xây dựng cơ bản các hạng mục đầu tư, chuẩn bị lắp đặt dây chuyền sản xuất và đưa vào sản xuất trong quý I/2025. Dự án có công suất thiết kế mỗi năm bảo quản từ 4.000 - 6.000 tấn nông sản, sản xuất 1 triệu m3 sợi chuối và sử dụng trung bình 5 tấn quả chuối mỗi ngày để sản xuất bột chuối... với tổng doanh thu dự kiến gần 560 tỷ đồng/năm. Công ty sẽ bao tiêu thu mua, chế biến khoảng 2.000 ha chuối tại địa phương; tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Từ năm 2021 đến nay, huyện Mường La hỗ trợ giống cây trồng chất lượng cao, như xoài Đài Loan GL4, mận tam hoa, mít ruột đỏ, bưởi, cây lê... cho hơn 1.000 hộ dân, tổng kinh phí trên 4,5 tỷ đồng. Hỗ trợ gần 460 triệu đồng thực hiện mô hình cải tạo vườn táo địa phương bằng giống táo đại ở xã Mường Bú; cải tạo, chăm sóc cây xoài theo hướng hữu cơ tại xã Tạ Bú, Chiềng Hoa...
![](https://media.baosonla.org.vn/public/linhlv/2025-02-10/0209.jpg)
Trong 4 năm qua, huyện Mường La đã trồng mới gần 2.250 ha cây ăn quả, nâng tổng số diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 7.147 ha; sản lượng quả đạt 33.000 tấn; xây dựng 10 chuỗi quả an toàn; hơn 1.000 ha cây trồng được cấp chứng nhận an toàn, chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, mã số vùng trồng, với khoảng 5.500 tấn cây ăn quả đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, VietGAP và an toàn thực phẩm. Mường La có 25 mã số vùng trồng, với diện tích 633 ha, xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường EU, cung cấp sản phẩm cho các hệ thống siêu thị lớn và các cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước.
Việc chuyển đổi trồng cây ăn quả của huyện Mường La, không chỉ mở rộng diện tích, tăng sản lượng, còn thể hiện ở sự phát triển theo chiều sâu, tập trung vào chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nâng cao giá trị nông sản địa phương và thu nhập cho nông dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!