Năm 2023 khép lại, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và giá nông sản bấp bênh, tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tiếp tục khẳng định là trụ đỡ quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Nét nổi bật trong khởi sắc của nông nghiệp Sơn La năm qua, đó là tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 8.832 tỷ đồng, tăng 5,48% so với năm 2022; giá trị xuất khẩu nông sản đạt 177,6 triệu USD, tăng 8,8% so với năm 2022. Toàn tỉnh có trên 84.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng đạt gần 456.600 tấn, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước. Có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 2.714 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương, sản lượng 43.570 tấn/năm; có 8.200 ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ; duy trì 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; cấp 294 mã số vùng trồng với diện tích trên 3.150 ha; 28 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh... Toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; có 151 sản phẩm OCOP; 97,5% tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Có được kết quả trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường, trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tại huyện Yên Châu, năm 2023, huyện đã tiếp tục chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Đến nay, toàn huyện có trên 11.500 ha cây ăn quả các loại... Sản lượng quả các loại ước đạt 93.480 tấn, giá trị sản phẩm trái cây đã tiêu thụ năm 2023 đạt 832,3 tỷ đồng. Huyện tổ chức quản lý, hướng dẫn sản xuất đối với 773,6 ha cây ăn quả đã được cấp chứng nhận VietGAP; quản lý, giám sát 67 mã số vùng trồng cho 1.140,8 ha diện tích cây ăn quả các loại và 1 cơ sở đóng gói trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, các địa phương còn tập trung quy hoạch lại các vùng sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ gắn với các chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, thông tin: Năm 2023, giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác của huyện đạt 87,6 triệu đồng, tăng 3,6% so với năm 2022. Trong năm, đã có 3 nhà máy chế biến nông sản khánh thành và đi vào hoạt động, tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân trên địa bàn huyện.
Lĩnh vực chăn nuôi, dần chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang phát triển theo quy mô trang trại, mô hình công nghiệp và bán công nghiệp; phát triển gia súc, gia cầm chất lượng cao. Người nông dân bước đầu nắm bắt những tín hiệu của thị trường, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tự nguyện liên kết thành HTX, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp... mở rộng cơ hội phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, chất lượng, đủ sức cạnh tranh, xuất khẩu sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có hơn 1,1 triệu con gia súc, gần 8 triệu con gia cầm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 84.800 tấn, tăng 3% so với năm 2022...
Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị gia tăng sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Phấn đấu đến hết năm 2024, cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá hiện hành chiếm 25% tổng sản phẩm; có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 99% dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt 48%... Xây dựng Sơn La vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, chế biến rau, quả lớn nhất vùng Tây Bắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!