Trồng cây xen canh, là mô hình sản xuất được nhân dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn áp dụng trồng với cây cà phê, nhằm gia tăng giá trị đất canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng nguồn thu nhập.
Đến xã Chiềng Ban mùa này, chứng kiến những đồi cà phê, mận hậu đang xanh tốt bạt ngàn trên các sườn đồi. Mô hình trồng xen canh cây cà phê và cây mắc ca ở HTX Phiêng Quài, bản Phiêng Quài Tong Chinh đang được áp dụng. HTX có 15 thành viên, đang trồng gần 60ha cây cà phê, trong đó có 40ha cây nhãn, 3ha cây mắc ca trồng xen canh. Ngoài ra, HTX còn có 20ha cây mận hậu, 3ha cây thanh long, 3ha rau màu các loại. Sản lượng hằng năm đạt gần 1.200 tấn, doanh thu gần 13 tỷ đồng/năm.
Anh Lò Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Phiêng Quài, vừa dẫn chúng tôi thăm mô hình vừa nói: Nhà tôi có 3ha cây cà phê, mùa đông những năm trước, một số cây cà phê trong vườn thường bị chết do thời tiết giá rét hoặc xảy ra hiện tượng sương muối. Năm 2016, tôi trồng xen canh với cây mắc ca, cây nhãn. Sau 3 năm, cây mắc ca cho thu hoạch, đồng thời, từ đó đến nay cây cà phê phát triển rất tốt, không bị chết do thời tiết giá rét hay sương muối... Tổng sản lượng năm 2023 đạt gần 170 tấn, trong đó, cà phê 103 tấn, nhãn hơn 60 tấn, mắc ca 4,5 tấn, doanh thu gần 2 tỷ đồng.
Hiệu quả từ mô hình trồng xen canh cây cà phê với mắc ca của gia đình anh Nghĩa, nhiều thành viên trong HTX đã áp dụng làm theo. Anh Lò Văn Kiếm, bản Phiêng Quài, cho biết: Với 0,5 ha cây cà phê trồng xen cây mắc ca, trừ chi phí gia đình thu gần 100 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây cà phê với cây mắc ca để tăng thu nhập.
Từ thực tế trồng cây xen canh giữa cây cà phê và cây mắc ca đang đem lại hiệu quả kinh tế tại bản Phiêng Quài Tong Chinh, xã Chiềng Ban, ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho hay: Huyện đang tuyên truyền, vận động nhân dân các xã nên trồng cây xen canh với cây cà phê để chống biến đổi khí hậu, tăng thu nhập kép. Sở dĩ trồng xen cây cà phê với cây mắc ca đem lại năng suất, chất lượng cao hơn, vì cây cà phê đòi hỏi độ ẩm cao, khi cây mắc ca lớn bao giờ cũng cao hơn cây cà phê nên phủ bóng mát, giữ độ ẩm dưới mặt đất và tán cây rất tốt, khi bón phân cho cây, độ ẩm sẽ làm cho phân bón tan nhanh chóng, cây hút được nước và chất dinh dưỡng nên có sức đề kháng và sinh trưởng tốt, ra hoa, kết quả đúng thời vụ, đem lại năng suất chất lượng cao hơn.
Hiện nay, xã Chiềng Ban có 1.250ha cây cà phê; 253,6ha cây ăn quả, nhân dân đang tích cực đưa các loại cây có giá trị kinh tế vào trồng xen canh để tăng thu nhập, đem lại giá trị trên diện tích đất canh tác đạt trung bình 150 triệu đồng/ha; nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 52 triệu đồng/người/năm; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã xuống còn hơn 3%.
Cùng với việc định hướng, khuyến khích nhân dân các xã trồng cây xen canh của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn. Ông Đoàn Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, cho hay: Chúng tôi xác định, cây cà phê là cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Vì vậy, xã thường xuyên phối hợp với các đơn vị của huyện, tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân nắm vững kỹ thuật canh tác, áp dụng vào chăm sóc cây trồng; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, định hướng nhân dân trồng xen cây mắc ca, cây ăn quả trên diện tích cây cà phê để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!