Sốp Cộp có địa hình đồi núi và khí hậu đa dạng. Những năm gần đây, huyện luôn quan tâm, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Sốp Cộp được thiên nhiên ưu đãi với đất đai màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng giá trị cao, như: Cà phê, mắc ca, xoài, nhãn, bơ, cây có múi... Khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện Sốp Cộp định hướng đến năm 2030, phấn đấu trồng khoảng 3.500 ha cây ăn quả, tập trung tại các xã: Mường Và, Mường Lạn, Dồm Cang, Sốp Cộp, Nậm Lạnh, Púng Bánh, Mường Lèo. Các loại cây ăn quả chủ lực, gồm: Xoài, nhãn, cam, quýt, dứa, mận, bưởi và nhóm cây ăn quả ôn đới khác.
Cụ thể hóa mục tiêu đề ra, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân áp dụng kỹ thuật nhân giống, các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, tưới nước tiết kiệm, kỹ thuật xử lý ra hoa và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tăng cường áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ; ứng dụng kỹ thuật ghép cải tạo, tỉa cành, tạo tán. Nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác cây cà phê, mắc ca và cách bảo quản nông sản sau thu hoạch đã được tổ chức tại các xã với hàng nghìn lượt nông dân tham gia.
Cùng với đó, huyện vận động nhân dân từng bước trồng thay thế các vườn cây già cỗi, nhiễm bệnh, năng suất và hiệu quả thấp, bằng các giống mới; sử dụng cây giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh; hướng dẫn các HTX, người dân áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ; xây dựng mã số vùng trồng, đảm bảo nông sản đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu.
Tạo đòn bẩy cho chuyển đổi cây trồng, huyện Sốp Cộp đã sử dụng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ nhân dân về giống mắc ca, cây ăn quả và cà phê. Chỉ đạo các tổ chức đứng ra ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho nhân dân vay vốn với lãi suất thấp, đầu tư vào các loại cây trồng mới, năm 2024, đã tạo điều kiện cho 150 lao động vay trên 5,3 tỷ đồng tham gia các dự án nông nghiệp, trong đó có phát triển các loại cây trồng.
Sốp Cộp đã triển khai 24 mô hình và dự án nhân rộng mô hình phát triển cây ăn quả với diện tích trên 286 ha, 693 hộ được hỗ trợ trên 380 nghìn cây giống các loại, trên 268 tấn phân bón, 4 hệ thống tưới tiết kiệm. Ông Vì Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đánh giá: Các mô hình phát triển cây ăn quả cơ bản đạt hiệu quả, đến nay nhiều diện tích trồng mới đã cho thu hoạch ổn định và tạo thu nhập, nâng cao hiệu quả sử dụng đất so với các cây trồng khác. Qua việc triển khai các mô hình, dự án cũng đã góp phần đưa diện tích cây ăn quả toàn huyện từ 358 ha năm 2015, lên trên 2.235 ha năm 2024, với sản lượng trên 3.000 tấn; trong đó, có 51 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, 10 ha được cấp mã số vùng trồng.
Bên cạnh mở rộng diện tích cây ăn quả, trên địa bàn huyện đang có xu hướng mở rộng diện tích cây cà phê và mắc ca. Đáng chú ý, năm 2024, diện tích cây cà phê toàn huyện đạt 1.057 ha, tăng gần gấp đôi so với kế hoạch, điều này cho thấy, nhân dân đang dần chuyển đổi những diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng loại cây này, bước đầu cây cà phê đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình. Ông Vì Văn Ngoãn, chủ của nương cà phê 4 ha tại bản Pặt Pháy, xã Nậm Lạnh, phấn khởi: Nhờ chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cà phê, thu nhập của gia đình cũng cải thiện đáng kể. Vụ cà phê năm nay, gia đình tôi thu lãi khoảng 800 triệu đồng.
Năm 2020, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Mường Và đã đầu tư trồng 60 ha cây mắc ca, đến nay diện tích tăng lên 71 ha. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Công ty, cho biết: Cây mắc ca hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở Sốp Cộp, tỷ lệ sống đạt tới 98%, khi cây trưởng thành sẽ đạt năng suất từ 6-8 tấn quả tươi/ha. Công ty đang có kế hoạch mở rộng diện tích lên 100 ha trong thời gian tới.
Hiện nay, huyện Sốp Cộp có gần 82 ha mắc ca, trong đó 60 ha đang cho quả bói vụ đầu tiên. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết thêm: Mắc ca là cây lâu năm cho hạt có giá trị kinh tế cao, có thể phát triển thành cây trồng rừng và trồng che bóng cho một số loại cây thấp tán, như: Cà phê, chè, cây dược liệu. Huyện đã rà soát diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất trồng kém hiệu quả để tuyên truyền, khuyến khích nhân dân chuyển đổi sang trồng cây mắc ca. Bên cạnh đó, huyện luôn đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất, phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, liên kết với các hộ dân phát triển thành vùng nguyên liệu gắn với cam kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm mắc ca, đảm bảo các mô hình trồng cây mới đạt hiệu quả cao nhất.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ là thay đổi cách trồng, mà còn là thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân Sốp Cộp. Từng triền đồi xanh mướt cà phê, những vườn cây ăn quả, cây mắc ca đang phát triển tốt đang mang lại hy vọng về một cuộc sống ấm no và khẳng định sự chuyển mình của vùng đất biên giới xa xôi.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!