Hang Chú là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Với đặc điểm địa hình chủ yếu đồi núi dốc, đất dễ bị xói mòn, rửa trôi, hình thức canh tác chủ yếu là trồng ngô và lúa nương, hiệu quả thấp.
Nhân dân bản Suối Lềnh C, xã Hang Chú (Bắc Yên) thu hoạch lúa ruộng.
Những năm qua, được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi; có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ về giống, phân bón, hỗ trợ kinh phí khai hoang, phục hóa, xã Hang Chú đã tích cực mở rộng diện tích ruộng bậc thang, góp phần tăng diện tích lúa nước và thay đổi tập quán canh tác của đồng bào nơi đây. Đến Hang Chú vào những ngày cuối tháng 10, đúng dịp nhân dân các bản đang tập trung thu hoạch lúa mùa. Những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng, tầng tầng, lớp lớp uốn lượn quanh các triền núi, vàng rộm cả một vùng. Khắp các triền đồi từ bản Pa Cư Sáng A, B đến các bản Suối Lềnh A, B và C vang lên tiếng cười nói rôm rả, tiếng í ới gọi nhau, những người phụ nữ Mông thoăn thoắt tay gặt. Bà Mùa Thị Tra, bản Suối Lềnh C, cho biết: Bản Suối Lềnh C giờ chủ yếu sản xuất lúa nước vì lúa nương trồng một vụ, đất dễ bị xói mòn, bạc mầu, năng suất thấp nên nhiều hộ không còn trồng lúa nương nữa. Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo trồng 1 ha giống lúa lai 305, năng suất cao gấp 2 lần lúa nương.
Bản Pa Cư Sáng B là một trong những bản có diện tích lúa nước gấp gần 10 lần so với diện tích lúa nương. Ông Mùa A Chư, Trưởng bản, cho biết: Trước đây bà con trong bản đã biết tận dụng nguồn nước từ các khe suối, tự đào mương dẫn nước về làm ruộng. Do tập tục canh tác còn lạc hậu, để lúa phát triển tự nhiên; hệ thống dẫn nước chưa được kiên cố, lượng nước tưới tiêu không ổn định nên sản xuất kém hiệu quả. Những năm gần đây, được xã tuyên truyền, vận động khai hoang ruộng nước và có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích mở rộng diện tích lúa nước, nhân dân bản Pa Cư Sáng B dần thay đổi tư duy sản xuất, chuyển những diện tích lúa nương kém hiệu quả sang làm ruộng bậc thang. Đồng thời, đưa vào trồng các giống lúa lai và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. 5 năm trở lại đây, bà con trong bản đã khai hoang được 9 ha lúa ruộng, nâng tổng diện tích ruộng nước của bản lên 46 ha, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ. Theo ông Chư, lúa nương và lúa ruộng cùng làm 1 vụ, nhưng năng suất lúa ruộng cao gấp 2-3 lần năng suất lúa nương. Ngoài ra, sản xuất lúa nước ở ruộng bậc thang tận dụng triệt để nguồn nước, phân bón và tạo độ phì cho đất chứ không như làm lúa nương, mưa một trận là trôi hết. Từ ngày mở rộng diện tích khai hoang sản xuất lúa ruộng, bà con trong bản không lo thiếu lương thực như trước nữa.
Ông Giàng A Tủa, Phó Chủ tịch UBND xã Hang Chú, cho biết: 5 năm qua, xã được đầu tư xây dựng 5 công trình thủy lợi tại các bản Phình Hồ, Pa Cư Sáng A; Chương trình 134 hỗ trợ cây giống, phân bón và chính sách khuyến khích hỗ trợ 10 triệu đồng/ha phục hóa ruộng bậc thang và hỗ trợ 15 triệu đồng/ha khai hoang ruộng bậc thang theo Chương trình 135. Qua đó, đã tác động tích cực và dần thay đổi tư duy sản xuất của bà con. Xã Hang Chú đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phục hóa diện tích đất ruộng đã khai hoang trước đó, giao chỉ tiêu cụ thể đến những bản có điều kiện thuận lợi về nguồn nước, chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang sản xuất lúa nước. Năm 2016, xã khai hoang được 17ha, các hộ khai hoang ruộng nước đã được xã hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục và được nhận các khoản hỗ trợ theo quy định. Vụ mùa năm nay, toàn xã đã có trên 300 ha lúa ruộng với các giống lúa lai 8A8, BC15... Hiện, các bản Hang Chú, Phình Hồ đã thu hoạch xong vụ mùa, còn lại đang tiếp tục thu hoạch, toàn xã đã thu hoạch được 70% diện tích lúa, năng suất bình quân 3 tấn thóc/ha.
Việc mở rộng diện tích trồng lúa nước ở Hang Chú đã và đang làm thay đổi thói quen canh tác, thúc đẩy việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng xuất, tiến tới đảm bảo an ninh lương thực, giúp đồng bào vùng cao ổn định cuộc sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!