Đảm bảo hoạt động kinh doanh lành mạnh

Bảo vệ người tiêu dùng, năm 2024 các lực lượng chức năng của tỉnh Sơn La đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.932 vụ, 1.965 đối tượng. Trong đó, xử phạt hành chính 1.841 vụ, thu nộp ngân sách hơn 23,8 tỷ đồng; khởi tố 89 vụ, 126 đối tượng vi phạm quy định của pháp luật về lĩnh vực quản lý thị trường. Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đã góp phần giữ môi trường hoạt động kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, bình ổn giá cả thị trường.

Giọng nữ

Năm qua, tình hình thương mại trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn ra tương đối ổn định, hàng hóa lưu thông thông suốt, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt trên 35.800 tỷ đồng, tăng khoảng 14,3% so với cùng kỳ năm trước và vượt 5,9% so với kịch bản đề ra.

Công tác quản lý điều hành đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá trên thị trường được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo kịp thời và hiệu quả. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã thực hiện tốt vai trò chỉ đạo, điều hành và phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả. Các ngành thành viên, UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng.

Các đơn vị chủ động tiến hành biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; kinh doanh hàng hoá nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đúng theo thẩm quyền.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn

Các lực lượng chức năng chủ động tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá vào nội địa. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, các trang mạng xã hội mua bán trực tuyến, khu vực biên giới, cửa khẩu; các tuyến giao thông trọng điểm... Trong năm qua, các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đã phát hiện xử phạt hành chính 1.841 vụ, thu nộp ngân sách hơn 23,8 tỷ đồng; khởi tố 89 vụ, 126 đối tượng vi phạm quy định của pháp luật về  lĩnh vực quản lý thị trường.  

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai kịp thời, hiệu quả công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác. Ông Nguyễn Viết Thông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh đã kiểm tra 1.313 vụ, xử lý 973 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 3,1 tỷ đồng. Cục Quản lý thị trường tỉnh còn tổ chức cho 980 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại.

Đội quản lý thị trường số 5 kiểm tra hàng hóa trên địa bàn xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng chú trọng tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia, phát hiện, tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thông tin về kết quả xử lý các vụ việc điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền và răn đe đối với các đối tượng sản xuất, kinh doanh trái pháp luật. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Anh Đỗ Tiến Chung, chủ cơ sở kinh doanh tại tiểu khu 19, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện kết hợp kiểm tra với tuyên truyền, giải thích đã giúp chúng tôi nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành những quy định của pháp luật trong kinh doanh, như: Kinh doanh rượu phải có giấy phép kinh doanh, sản phẩm nhập ngoại phải có tem nhãn mác phụ, nhập hàng có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ… đảm bảo hàng hóa an toàn, chất lượng, phục vụ người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra giấy phép kinh doanh của cửa hàng trên địa bàn thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Theo các cơ quan chuyên môn dự báo, tình hình buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra trong thời gian tới, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên, các lực lượng chức năng, các huyện, thành phố triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh. Chú trọng kiểm tra đối với các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, mua bán online qua mạng xã hội để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới