Nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm OCOP, những năm qua, tỉnh Sơn La đang tập trung đồng bộ các giải pháp để nhân rộng nhiều vùng nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị được hình thành, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa.
![](https://media.baosonla.org.vn/public/hieupt/2025-02-09/35.jpg)
Tỉnh ta hiện có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP, những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền khá phong phú về chủng loại, bao gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm; dịch vụ, du lịch nông thôn.
![](https://media.baosonla.org.vn/public/hieupt/2025-02-09/36.jpg)
Khai thác những tiềm năng lợi thế sẵn có, tỉnh Sơn La đã chú trọng phát triển sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, trong đó, bám sát các mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các địa phương đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang mô hình hợp tác xã (HTX) liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng.
Trước đây, cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt trâu gác bếp Hoa Xuân, thành phố Sơn La, gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Khách hàng còn tâm lý e ngại về chất lượng do thiếu minh chứng cụ thể về quy trình sản xuất. Bước ngoặt quan trọng đến khi cơ sở tham gia Chương trình OCOP của tỉnh năm 2019, sản phẩm thịt sấy khô của cơ sở đạt chứng nhận OCOP 4 sao, giúp nâng cao uy tín thương hiệu. Cơ sở được hỗ trợ bao bì, quảng bá và kết nối tiêu thụ trên toàn quốc, góp phần thúc đẩy doanh thu tăng đáng kể qua từng năm. Ông Tòng Ngọc Hoa, chủ cơ sở Hoa Xuân, chia sẻ: Quá trình sản xuất thịt sấy khô đòi hỏi tiêu chuẩn cao, nhưng trước đây khách hàng chưa tin tưởng do thiếu thông tin minh bạch. Khi đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm của chúng tôi được khách hàng đón nhận tốt hơn, lượng tiêu thụ năm sau luôn cao hơn năm trước.
Tương tự ở phường Cờ Đỏ, thị xã Mộc Châu được nhiều người biết đến khi thương hiệu miến dong Kiên Sơn ra đời và được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Điều này đã từng bước nâng cao giá trị cho sản phẩm miến dong truyền thống từ lâu đời của địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kiên Sơn, chia sẻ: Sau khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi đã thực hiện nghiêm các quy trình kiểm soát về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tập trung cải tiến dây chuyền sản xuất và cách thức sản xuất. Thực hiện liên kết với các hộ trồng dong riềng trên địa bàn để làm nguyên liệu sạch. Trong sơ chế cũng tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn ISO, nên chất lượng sợi miến làm ra luôn được đảm bảo.
![](https://media.baosonla.org.vn/public/hieupt/2025-02-09/37.jpg)
Sau hơn 5 năm triển khai, toàn tỉnh có 202 sản phẩm OCOP, trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 62 sản phẩm 4 sao và 139 sản phẩm 3 sao. Điểm chung của các HTX, doanh nghiệp khi xây dựng sản phẩm OCOP là đều chủ động thay đổi tư duy sản xuất, đổi mới khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua nền tảng số. Nhiều sản phẩm đã có mặt tại một số chuỗi siêu thị và đại lý, cửa hàng bán lẻ tại thị trường trong và ngoài tỉnh.
![](https://media.baosonla.org.vn/public/hieupt/2025-02-09/38.jpg)
Năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm trở lên được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Nâng cao hiệu quả và giá trị các sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên sản phẩm chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương.
Đồng thời, định hướng các chủ thể OCOP tạo sự khác biệt, tăng giá trị cho sản phẩm, đa dạng kích cỡ, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng; đảm bảo vùng nguyên liệu, chất lượng nguyên liệu đầu vào, truy xuất nguồn gốc; duy trì, chủ động cập nhật các nội dung quy định hằng năm, như: Chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, mã vạch, kiểm nghiệm định kỳ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm...
Sơn La đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm OCOP bền vững, đảm bảo cả chất và lượng, góp phần nâng cao hơn nữa giá trị của các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, cải thiện thu nhập cho người dân, phát huy lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!